Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học

Ngô Chuyên| 01/10/2020 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường gây ra, nhiều công trình nghiên cứu của học sinh, giáo viên phổ thông đã được đưa ra nhắm giúp giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Xuất hiện những viên phấn tái chế

Mới đây, tại chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020, công trình nghiên cứu “Phấn tái chế” của nhóm tác giả Phạm Hoàng Phúc – Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Trường THPT Vĩnh Hưng (Long An) đã gây chú ý bởi thông điệp nhân văn và ý thức bảo vệ môi trường.

Được biết, ý tưởng tạo ra phấn tái chế được xuất phát từ thực tế hằng ngay khi phấn viết được sử dụng thường xuyên trong lớp học nhưng không hết và bỏ đi rất nhiều. Nhóm tác giả đã đặt ra một giả thiết: Trong một trường học có 29 lớp, mỗi tuần mỗi lớp thải ra trung bình khoảng 150gram phấn vụn, như vậy một tuần trường đó sẽ thải ra 4.350 gram CaCO3 ra môi trường.

Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học

Những viên phấn tái chế.

“Lượng CaCO3 này gây xơ đất, ô nhiễm môi trường. Đó mới chỉ là con số ở một trường, nếu tính cả cả nước lượng phấn thải ra lớn! Đây là một nguy cơ không hề nhỏ với môi trường”, nhóm tác giả phân tích.

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả Phạm Hoàng Phúc và Nguyễn Thị Thảo Nguyên đã nảy ra ý tưởng “Phấn tái chế” – tái sử dụng các viên phấn vụn tưởng như chỉ có thể bỏ đi kia. Với các nguyên liệu và vật dụng đơn giản như phấn vụn, nước, chày, cối, ống hút, cân điện tử… và quy trình sản xuất đơn giản: giã phấn vụn thành bột, trộn phấn vụn và nước theo tỉ lệ tính toán, cho vào khuôn ống hút, phơi nắng…, các em đã sản xuất ra những viên phấn có chất lượng không hề thua kém phấn mới.

Qua quá trình thử nghiệm, nhóm tác giả khẳng định: “Chất lượng những viên phấn tái chế tương đương với những viên phấn mới thông thường. Khi áp dụng phương pháp này không chỉ với phấn trắng mà với cả những viên phấn màu, và chất lượng phấn màu cũng không thay đổi.”

Chia sẻ về dự định tương lai từ dự án này, nhóm tác giả cho hay: “Chúng em khuyến khích sử dụng ống hút bằng các sản phẩm không gây hại đến môi trường như ống hút từ tre, nứa, giấy… Nếu sáng kiến này được quan tâm, ủng hộ, nhóm sẽ phát triển dây chuyền sản xuất nhanh hơn, chất lượng hơn.

“Đặc biệt, chúng em muốn gửi những viên phấn này đến các ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, những vùng còn khó khăn, thiếu thốn’, nhóm tác giả chia sẻ.

Biến rác thải thành công cụ giảng dạy

Nhằm thay đổi nhận thức và hành động của người học trong văn hóa ứng xử với môi trường thầy Nguyễn Hữu Quyết – giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã xây dựng công trình “Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học và học tập cho học sinh”.

Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học

Mô hình các bộ phận của lãnh thổ Việt Nam làm bằng sản phẩm tái chế từ rác thải.

Từ những rác thải nhựa bỏ đi, thầy Nguyễn Hữu Quyết đã tái chế, tạo ra những đồ dùng dạy và học vô cùng hữu ích như: bản đồ học địa lý, lịch sử... Những sản phẩm tái chế này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, hình dung rõ hơn về bài học mà còn tạo được hứng thú học tập ở các em. Những trận chiến lịch sử, những bài học giáo dục về chủ quyền lãnh thổ… hiện ra chi tiết, cụ thể mà sinh động.

Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học

Thầy Quyết chia sẻ thêm: “Các đồ dùng dạy học được tái chế từ rác thải nhựa được áp dụng trong tất cả các môn học tại các trường THPT nhưng tập trung chủ yếu ở các môn khoa học xã hội như: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lí, Giáo dục công dân,… Ở các môn khoa học tự nhiên, các đồ dùng tái chế được ứng dụng nhiều nhất là môn Sinh học. Ngoài ra, các sản phẩm còn được ứng dụng trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động kĩ năng sống, giá trị sống,… tại nhà trường”.

Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học

Từ rác thải nhựa, thầy Nguyễn Hữu Quyết không chỉ chế tạo các đồ dùng dạy học mà còn ứng dụng các sản phẩm này vào cuộc sống hằng ngày, như  tái chế thành chậu trồng cây, trồng rau, làm đồ trang trí.

Ý tưởng của công trình mà thầy Quyết đưa ra không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà thông điệp bảo vệ môi trường được gửi tới học sinh thông qua các giờ học. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cũng có thể làm được, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ mọi người.

Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Đây là sân chơi cho các tri thức trẻ sáng tạo, thể hiện các công trình góp phần cải tiến giáo dục.

Không chỉ vậy, “Tri thức trẻ vì giáo dục” rất khuyến khích các công trình góp phần bảo vệ môi trường. Thông qua các công trình ấy, “Tri thức trẻ vì giáo dục” muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người. Cả hai công trình trên đều là những công trình tham gia sân chơi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2020.
 

Hai công trình “Phấn tái chế” và công trình “Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học và học tập cho học sinh” là hai công trình – gửi đến tham dự Chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2020

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh, giáo viên phổ thông đưa sáng kiến bảo vệ môi trường vào trường học