Trước diễn biến phức tạp của covid-19, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình. Vậy học trên truyền hình và học qua internet học sinh cần lưu ý những gì để cho hiệu quả.
Trước những băn khoăn và lo lắng của nhiều phụ huynh về tình trạng dịch bệnh, con phải học qua truyền hình hoặc học internet không hiệu quả, PV báo Công lý đã có cuộc PV với TS Lại Tiến Minh – giáo viên dạy Toán trường Lương Thế Vinh - Hà Nội. TS Minh là người có 10 năm kinh nghiệm trong dạy học online và 5 năm dạy trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 .
TS Lại Tiến Minh - người có 10 năm kinh nghiệm dạy online. Ảnh NVCC.
Theo như chia sẻ của TS Minh, để học trực tuyến hiệu quả học sinh cần chú ý các bước như sau:
- Ghi chép đầy đủ là việc làm cực kỳ quan trọng. Rất nhiều bạn chỉ nghe qua không ghi chép gì nên rất dễ quên bài mình đã học dần dần bị hổng kiến thức.
- Nghe thật kỹ lời giảng của giáo viên. Nhiều em chỉ tua video để ghi bài giảng mà không nghe kỹ những bình luận và phân tích của thầy cô dẫn đến không hiểu sâu bài khi áp dụng các công thức, nguyên lý bị sai.
- Có thể dừng, tua hoặc xem lại nhiều lần các video để suy nghĩ, xem xét kỹ các vấn đề chưa hiểu. Khi đã thông hiểu thì sẽ xem tiếp bài giảng.
TS Minh nhấn mạnh: “Học online cũng như học trên lớp, học sinh cần phải làm bài tập về nhà và đọc lại lý thuyết bài cũ. Việc này sẽ giúp cho học sinh có nền kiến thức để tiếp thu tốt hơn bài giảng mới. Bên cạnh đó các em cũng nên tìm hiểu và đọc trước phần nội dung bài mới trước khi xem”.
“Ngoài ra nên chuẩn bị trước các dụng cụ học tập như máy tính, vở ghi, giấy nháp cũng như các điều kiện âm thanh, ánh sáng để có thể tiếp thu được tốt và nhanh nhất”, TS Minh nói thêm.
TS Lại Tiến Minh ngoài có những bài giảng thu hút anh còn được cộng đồng mạng biết đến là thầy giáo hotboy. Ảnh NVCC.
Bên cạnh những ưu điểm, TS Minh cũng chỉ ra những hạn chế nhất định mà học sinh và giáo viên gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến như: tính tương tác giữa giáo viên và học sinh kém đi do học sinh không được trực tiếp hỏi cũng như được giải đáp các thắc mắc đang gặp phải trong bài học.
Giáo viên không thể biết và giải đáp được cho học sinh những vấn đề chưa hiểu. Ngoài ra, đối tượng dạy học không rõ ràng nên rất khó cho giáo viên có thể chuẩn bị các bài giảng phù hợp với trình độ của học sinh. Một điều rất quan trọng nữa là hiện nay học sinh mới dần làm quen với hình thức này nên tính tự giác của nhiều em còn kém do vậy hiệu quả đạt được còn chưa cao.
“Tất cả điều này có thể được khắc phục bằng sự phối hợp của gia đình. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các con học bài và ghi chép đầy đủ. Học sinh cũng có thể trao đổi với giáo viên qua mạng xã hội hoặc trao đổi với bố mẹ anh chị bạn bè những vấn đề còn khúc mắc”, TS Minh lưu ý.
Bên cạnh đó TS Minh cũng lưu ý, đối với học sinh cuối cấp các em là phải vượt qua chính mình, rèn luyện tính tự giác, chủ động. Đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện.
“Đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên, các em nên lập các sơ đồ hệ thống hoá kiến thức, các sơ đồ tư duy, các công thức giải nhanh. Những phần kiến thức và kỹ năng nào còn yếu và thiếu thì phải khẩn trương bổ sung và rèn luyện trong giai đoạn đang nghỉ dịch. Thường xuyên luyện đề, tăng phản xạ và áp lực thời gian”, TS Minh gợi ý.