TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng

Trần Khanh - Trang Vân| 18/06/2020 16:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Buổi toạ đàm nhằm báo cáo những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng và hướng dẫn các quy định của Bộ luật hình sự về nhóm tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ.

TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng

Quang cảnh buổi tọa đàm

Ngày 18/6, tại Quảng Ninh, TANDTC phối hợp với cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc ((UNODC)) tổ chức tọa đàm tham vấn “Khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và những nội dung cần hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC”.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC chủ trì buổi toạ đàm.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Từ khi Luật Hình sự sửa đổi 2015, với trách nhiệm của mình, Hội đồng Thẩm phán luôn hết sức cố gắng để xây dựng các Nghị quyết hướng dẫn bộ luật mới theo quy định và giúp các cơ quan tố tụng giải quyết các vụ án được thuận lợi.

Đối với Nhóm tội tham nhũng kinh tế các Thẩm phán gặp khó khăn trong quá trình xét xử, quá trình điều tra truy tố quan điểm của ba cơ quan nhiều khi không được thống nhất.

Theo đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua đã rất chú trọng công tác điều tra, truy tố và xét xử nhóm tội phạm kinh tế. "Thực sự, chúng ta rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng với sự đóng góp lớn của các cơ quan tố tụng", Phó Chánh án TANDTC nói.

TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC chủ trì và chỉ đạo buổi toạ đàm

Tuy nhiên, trên thực tế, có những vụ việc mà nhận thức về tội danh và trách nhiệm dân sự như thế nào cho chính xác cũng là vấn đề đang đặt ra cho ba cơ quan, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cho biết và cho rằng, Hội đồng Thẩm phán cần sớm có Nghị quyết hướng dẫn đối với nhóm tội này.

Phát biểu trực tuyến tại buổi tọa đàm, ông Francesco Checchi, đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cho hay: “Do điều kiện hoàn cảnh dịch Covid-19 nên tôi không đến trực tiếp buổi tọa đàm, qua đây cho tôi gửi lời cảm ơn đến TANDTC đã cùng UNODC chủ trì buổi tọa đàm này. Đây được xem là mối quan hệ hợp tác chặt chẽ để có thể phòng chống tham nhũng trong khu vực”.

Ông Francesco Checchi cho biết, UNODC cam kết luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại Việt Nam trong việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và việc thực thi Nghị quyết này. Buổi tọa đàm sẽ tập trung vào việc đóng góp ý kiến trong giải quyết các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và những nội dung cần hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng

Đồng chí Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTƯ đề xuất một số nội dung tại buổi tọa đàm

Buổi toạ đàm diễn ra khá sôi nổi với sự tham gia thảo luận của các đại diện ngành Toà án, Viện kiểm sát, Công an, cũng như cố vấn và chuyên viên đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương.

Các đại biểu nêu lên những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, đề xuất một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đưa ra các dẫn chứng thực tiễn khó khăn trong quá trình xét xử các tội phạm tham nhũng tại các TAND địa phương.

TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) tham luận tại buổi tọa đàm

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) nhận định: “Tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi với nhiều đối tượng cùng tham gia trong thời gian dài. Các vụ việc tham nhũng thường nhạy cảm, liên quan đến nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở nhiều cấp, nhiều ngành gây khó khăn trong điều tra”. Ngoài ra, việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài cũng gặp một số khó khăn, vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án các cấp chưa có sự thống nhất cao trong quá trình truy tố, xét xử, nên án thường bị kéo dài, phải trả lại hồ sơ bổ sung nhiều lần.

“Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán cần hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, xác định, kết luận việc hưởng lợi để đánh giá tội danh. Mặt khác, việc thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ thực hiện khi chứng minh được nguồn gốc từ phạm tội mà có. Do đó, cần hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại từ bất kỳ tài sản nào của người thực hiện hành vi tham nhũng”, đại diện C03 Bộ Công an đóng góp ý kiến.

Bế mạc buổi toạ đàm, đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Thẩm phán TANDTC nhấn mạnh: “Tất cả 15 phát biểu, đóng góp ý kiến đều rất giá trị. Buổi toạ đàm hôm nay rất bổ ích và cần thiết, tạo ra cơ sở bước đầu cho cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết. Chắc chắn sau khi Nghị quyết được soạn thảo lần 1 sẽ đưa ra xin ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học…”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Tiến, sắp tới, Vụ pháp chế sẽ mời nhiều chuyên gia trao đổi thêm về vấn đề này. Tất cả các đại biểu sẽ đưa ra ý kiến, đề xuất kiến nghị của mình một cách cụ thể để Nghị quyết có chất lượng cao hơn. Đồng thời, cần tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm để có thêm thông tin cần thiết giúp cho việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sát và đúng, tránh trường hợp mang tính chung chung, không đi vào thực tiễn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC phối hợp với UNODC tổ chức tọa đàm tham vấn về giải quyết các vụ án tham nhũng