Người Thẩm phán nguyện gắn bó với vùng cao

Tài Đức| 25/09/2015 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi biết Thẩm phán Lê Văn Quân tự nguyện đăng ký chuyển công tác từ TAND TP. Thanh Hóa lên một huyện miền núi, ai cũng cản bảo ông này “gàn, dở”.

Người ta mất bao nhiêu công sức để được xuống núi không được, đằng này lại ngược đời bỏ phố lên vùng cao. Tuy nhiên, anh Quân vẫn cương quyết làm theo quan điểm của riêng mình…

Anh Quân (SN 1977) bắt đầu vào ngành năm 2002, công tác tại TAND huyện Cư jut, tỉnh Đăk Nông. Đến tháng 10/2005, anh chuyển về TAND TP. Thanh Hóa nhưng đến tháng 8/2013, anh Quân đã tự nguyện chuyển lên TAND huyện Như Thanh. Hỏi về lý do anh tình nguyện lên miền núi công tác trong khi đang làm ở thành phố gần vợ, gần con, anh cho hay: Xuất phát từ khách quan, tại thời điểm đó TAND huyện Như Thanh chỉ có 1 Thẩm phán, do vậy cơ quan rất cần thêm Thẩm phán. Hơn nữa, sắp đến ngày 2/9 là Quốc khánh, TAND huyện chuẩn bị đưa ra xét miễn, giảm thời hạn cải tạo không giam giữ và thời gian thử thách của án treo cho các bị cáo và phải làm xong trước ngày 2/9.  Nhưng theo quy định của Luật thì Hội đồng xét miễn giảm phải có ít nhất 2 Thẩm phán. Khi Chánh án TAND tỉnh có gợi ý điều động thời hạn 1 năm, biết được điều này, anh đã xung phong đồng ý. Kết thúc phiên tòa xét xử ở TAND TP. Thanh Hóa ngày 27/8/2013, ngay sau đó anh lên đường nhận nhiệm vụ ở TAND huyện Như Thanh cho tới nay.

Người Thẩm phán nguyện gắn bó với vùng cao

Thẩm phán Lê Văn Quân

Chuyển lên nơi công tác mới cách xa thành phố hơn 40 km, khi đó vợ anh Quân mới sinh con thứ 2, đứa đầu vào lớp 1 nên gia đình phải nhờ ông bà nội, ngoại ở quê lên thành phố ở cùng đứa đầu. Còn vợ anh thì đưa con nhỏ về dưới huyện Hậu Lộc, ở nhà ngoại và gần cơ quan công tác để tiện chăm sóc và đi làm. Anh chia sẻ: Những hôm mưa gió, con nhỏ ốm đau, hết giờ làm việc, anh lại nhanh chóng bắt xe đi về thành phố, tạt qua nhà thăm cháu đầu, rồi lại đi xuống huyện Hậu Lộc thăm cháu nhỏ. Về thăm vợ con chớp nhoáng, sáng mai anh lại dậy sớm lên cơ quan làm việc. Tính từ quê ngoại anh lên Như Thanh cách xa hơn 80km. Đối với công việc, khi bắt đầu lên nhận công tác, biết là sẽ khó khăn hơn khi ở thành phố nhiều lần như địa bàn rộng, đường giao thông khó, có nhiều đồng bào thiểu số, nhiều phong tục tập quán, phải làm quen với các cơ quan chuyên môn, với cán bộ cơ sở nên ảnh hưởng đến công việc rất  nhiều.

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng với bầu nhiệt huyết, ý chí quyết tâm cống hiến cho cho nghề, sẵn sàng hy sinh nhiều lợi ích cá nhân để đạt được chất lượng công việc tốt nhất nên anh được đồng nghiệp cơ quan rất quý mến và thán phục. Không phụ lòng tin của cấp trên, đồng nghiệp, anh làm việc có uy tín nên sau 2 tháng, anh Quân đã được Huyện ủy Như Thanh bổ nhiệm Phó Bí thư Chi bộ. Một năm sau anh được địa phương tín nhiệm, cơ quan đề nghị và TAND tỉnh đã làm quy trình đề nghị TANDTC bổ nhiệm chức danh Phó Chánh án.

Lượng án ở huyện miền núi Như Thanh khoảng trên dưới 100 vụ/năm nhưng với 2 Thẩm phán kiêm cả công tác khác nên rất vất vả, nhất là những vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, do điều kiện khách quan huyện Như Thanh được tách ra từ huyện Như Xuân nên việc cấp GCNQSD đất trước đây do UBND huyện Như Xuân cấp. Diện tích đất rừng khi Nhà nước giao cho Kiểm lâm, giao cho nhân dân trồng rừng và công tác quản lý chưa tốt nên giá đất tăng, có tranh chấp thì rất phức tạp. Nhưng anh không lùi bước mà cho rằng, gặp những vụ phức tạp như vậy mới rút ra nhiều kinh nghiệm cho công việc. Trong khi rất nhiều Tòa án khác luôn đưa các vụ án hình sự để xử lưu động thì do tính chất án trên địa bàn, Tòa án huyện Như Thanh lại đưa các vụ án dân sự tranh chấp đất đai về bản, làng xử lưu động để tuyên truyền cho nhân dân. Với những nỗ lực vươn lên những năm qua, anh đã được Chánh án TAND tỉnh tặng giấy khen và đạt thành tích lao động tiên tiến.

Nhận xét về cấp dưới của mình, bà Nguyễn Thị Phong, Chánh án TAND huyện Như Thanh cho biết: Trong quá trình làm việc, Phó Chánh án Lê Văn Quân luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ khi có Thẩm phán Lê Văn Quân xung phong lên đây công tác đã giảm bớt gánh nặng cho đơn vị rất nhiều. “Chuyên môn nghiệp vụ của đồng chí Quân rất vững vàng và tính tình hòa đồng nên rất được đồng nghiệp yêu quý, chính quyền địa phương tin tưởng. Tôi và anh, chị em trong cơ quan luôn động viên đồng chí cố gắng vượt qua khó khăn về khoảng cách địa lý, thu xếp hài hòa công việc gia đình để đạt kết quả công việc cao nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thẩm phán nguyện gắn bó với vùng cao