Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải

Phương Nam| 06/05/2020 13:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” đang được Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiến hành từ ngày 6- 8/5/2020.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được pháp luật quy định và những khả năng pháp lý sẽ xảy ra với vụ án này.

Theo Điều 370 BLTTHS 2015, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (Điều 371).

Điều 373 BLTTHS quy định, những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải

Toàn cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sáng 6/5/2020

Về thẩm quyền giám đốc thẩm, Điều 382 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương bị kháng nghị.

Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương bị kháng nghị nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.

Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.

Điều 383 quy định, phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.

Về phạm vi giám đốc thẩm, Điều 387 quy định, Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quy định tại Điều 388 BLTTHS:

Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật;

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; 

Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Theo Điều 395 BTTTHS, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 01/12/2008, TAND tỉnh Long An đã xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội “Giết người” và 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hình phạt chung là tử hình.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh đã giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 04/5/2009, Hồ Duy Hải có đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước.

Ngày17/8/2009, TANDTC nhận được Công văn số 723/VPCTN-PL ngày 01/7/2009 của Văn phòng Chủ tịch nước kèm theo đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải của bà Nguyễn Thị Loan (là mẹ của Hải).

Ngày 14/12/2009, TANDTC đã trả lời bà Nguyễn Thị Loan tại Công văn số 1211/TA-HS với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội “Giết người” là có căn cứ pháp luật.

Ngày 22/5/2011, Chánh án TANDTC đã có Quyết định không kháng nghị số 65/QĐ-TANDTC-TK và Tờ trình Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định không kháng nghị số 131/QĐ-VKSTC-Vụ 3 và Tờ trình Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 1639/TB-VPCTN thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.

Ngày 04/12/2014, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra Quyết định số 02/QĐ-HĐTHATH hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải