Trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của quá trình TTHS. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Bộ luật TTHS quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền phải nhận được yêu cầu của bị hại mới được khởi tố vụ án, nếu không việc khởi tố này là trái pháp luật. Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với người bị hại.
Trên cơ sở BLTTHS 2003 và thực tiễn công tác áp dụng quy định của pháp luật về yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại, BLTTHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại theo hướng “mở” hơn và thu hẹp phạm vi các loại tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Cụ thể, theo quy định của BLTTHS 2015, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226, lần lượt là các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, Tội hiếp dâm, Tội cưỡng dâm, Tội làm nhục người khác, Tội vu khống và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Ảnh minh họa
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 là ở Khoản 2 Điều 155 quy định về trường hợp người đã yêu cầu khởi tố “rút yêu cầu” thì vụ án phải được đình chỉ…Trong khi đó BLTTHS 2003 quy định trường hợp người đã yêu cầu khởi tố “rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” thì vụ án phải được đình chỉ...
Như vậy, BLTTHS 2015 chỉ quy định một cách chung chung và không xác định rõ thời điểm rút yêu cầu mà chỉ quy định người đã yêu cầu khởi tố “rút yêu cầu” thì vụ án phải được đình chỉ. Quy định này đã khắc phục những khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn. Quy định này đã mở rộng cho người đã yêu cầu khởi tố có quyền rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong bốn giai đoạn này, nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ. Trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155… (điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS); trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155… (khoản 1 Điều 248 BLTTHS); trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155… (điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS).
Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như người đã yêu cầu khởi tố có quyền rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm nào trong giai đoạn xét xử. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị hại, nếu họ tham gia tố tụng với tư cách độc lập (không có đại diện) thì việc một bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án thì chưa thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 155 mà phải tất cả bị hại đều rút yêu cầu khởi tố vụ án thì mới thuộc trường hợp đình chỉ. Việc rút yêu cầu khởi tố vụ án của một bị hại trong số nhiều bị hại có thể coi là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải nói rõ trong bản án. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần phải có hướng dẫn để áp dụng thống nhất.
Ngoài ra, một quy định mới khác của BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là tại khoản 1 Điều 155 đã bỏ một tội được khởi tố theo yêu cầu người bị hại là tội “Xâm phạm quyền tác giả” (Khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định tội này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại).
Việc BLTTHS năm 2015 bãi bỏ điều luật này mang lại một tín hiệu tích cực, vì thực trạng hiện nay quyền tác giả đang bị xâm phạm ngày càng nhiều và nghiêm trọng cũng như hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, thậm chí việc xâm phạm diễn ra nhưng tác giả vẫn không hay biết. Do đó, hành vi xâm phạm này cần được bảo vệ mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền tác giả, quyền liên quan và phù hợp với tình hình mới.