BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung những quy định mang tính chặt chẽ, cụ thể hơn về tội phạm liên quan đến hành vi mua bán người, mua bán trẻ em.
Tại Điều 150 BLHS 2015 về Tội mua bán người qui định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.…
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Tại Điều 151, Tội mua bán người dưới 16 tuổi qui định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này…”
Có thể thấy, so với BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì BLHS năm 2015 đã tiệm cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến tội phạm mua bán người, thể hiện ở chỗ: Mô tả rõ hơn hành vi của tội phạm như tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận người; Bổ sung nhiều tình tiết định khung tăng nặng mới như gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân, làm nạn nhân chết hoặc tự sát, phạm tội đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng…;
Phiên tòa xét xử vụ án mua bán trẻ em của TAND tỉnh Điện Biên
Quy định của BLHS 2015 cũng chỉ rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác để thực hiện tội phạm mua bán người; Nêu cụ thể mục đích của tội phạm, đó là ngoài yếu tố vụ lợi (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác) còn có yếu tố bóc lột (bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân) hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Mặc dù hình phạt cao nhất áp dụng đối với các tội phạm này không thay đổi nhưng các quy định của BLHS năm 2015 liên quan đến tội phạm mua bán người đã thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn của Đảng, Nhà nước ta. Nếu như: khoản 1 điều 119 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định mức khung hình phạt từ 02 đến 07 năm thì khoản 1 điều 150 BLHS năm 2015 quy định mức khung hình phạt từ 05 đến 10 năm.
Tương tự, khoản 1 điều 120 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định mức khung hình phạt từ 03 đến 10 năm thì khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 quy định mức khung hình phạt từ 07 đến 12 năm. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, đồng thời nâng mức phạt tiền bổ sung từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tội mua bán người và 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi, bổ sung hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 150 BLHS 2015 về tội mua bán người, ngoài việc sửa đổi trong cấu trúc điều luật; nâng mức khung hình phạt và bổ sung thêm 07 tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với loại tội này; nội dung điều luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 cũng như khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm theo hướng mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm, bao gồm thủ đoạn, hành vi và mục đích, đáp ứng yêu cầu diễn biến, tình hình tội phạm thực tiễn ở Việt Nam, vừa tiếp cận gần hơn với yêu cầu của Nghị định thư.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung mới, tiến bộ góp phần hoàn thiện pháp luật về tội mua bán người; thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án mua bán người còn gặp khó khăn trong việc xác định, sử dụng chứng cứ chứng minh trong việc giải quyết các vụ án về tội mua bán người đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang. Đối với các vụ án truy xét rất khó xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
Hiện nay, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nhiều tội phạm mới có tình tiết định tội tương tự tội mua bán người, hay sử dụng tình tiết định khung hình phạt của tội mua bán người là tình tiết định tội riêng biệt như tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS); tội giết người (điểm h khoản 1 Điều 123 BLHS). Một số tình tiết trong cấu thành cơ bản rất dễ nhầm lẫn đối với các tội khác như: Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154)…
BLHS 2015 quy định hậu quả “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt mới trong nhiều tội trong đó có tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, BLHS 2015 chưa giải thích hay định nghĩa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” được hiểu như thế nào… Điều 150 BLHS 2015 mô tả hành vi “đe dọa dùng vũ lực” là tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người. Tình tiết này được sử dụng đặc trưng trong tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS). Theo các chuyên gia, cần quy định rõ trong tội mua bán người thì hành vi đe dọa dùng vũ lực được thực hiện như thế nào.