Bên buộc tội và bên gỡ tội phải đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau

Trần Minh Giang| 21/11/2015 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, việc bố trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư tại phiên tòa hình sự đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Qua nhiều buổi hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng vị trí chỗ ngồi giữa bên buộc tội và bên gỡ tội phải được đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau trong quá trình tranh tụng. Phóng viên Báo Công lý đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình cải cách tư pháp thì nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với Luật sư. Điều 103, khoản 5, Hiến pháp 2013 đã quy định: Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm - điều này có nghĩa là việc tranh tụng giữa bên buộc tội (đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố) và bên gỡ tội (người bảo vệ quyền lợi, người bào chữa) phải được bình đẳng trong thực tế xét xử.

Theo tinh thần cải cách tư pháp thì Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá; phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Muốn tranh tụng tốt phải bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội không những về nội dung mà cả hình thức là vị trí chỗ ngồi. Hiện nay, vị trí ngồi của đại diện VKSND bên cạnh phía tay phải, sát HĐXX cho thấy không bảo đảm tính khách quan và sự độc lập của HĐXX. Vị trí ngồi của đại diện VKSND và chỗ ngồi của Luật sư chưa bình đẳng, vẫn còn cao - thấp thì chưa thể đáp ứng yêu cầu tranh tụng trong tình hình mới, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.

Phóng viên: Cơ sở nào để ông cho rằng vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư chưa bình đẳng?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Xét về vai trò từng thành phần thì HĐXX là trung tâm điều hành và ra phán quyết; Kiểm sát viên đại diện cơ quan công tố thực hiện việc buộc tội; Luật sư là bên gỡ tội; Thư ký phiên tòa giúp việc cho HĐXX. Khi HĐXX vào phòng xử thì mọi người đều phải đứng dậy chào, kể cả Kiểm sát viên. Do đó không thể để HĐXX ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa được.

Một thực tế có thể nhận thấy là, tại phiên tòa, Luật sư được đặt phía dưới chỗ ngồi của Kiểm sát viên nên mới chỉ nhìn vào đã thấy sự bất bình đẳng giữa hai bên. Kiểm sát viên ở phía trên nhìn xuống, nói xuống, trong khi Luật sư thì từ dưới nhìn lên, đối đáp vọng lên, càng thể hiện sự bất bình đẳng giữa hai bên, tạo nên cảm giác như đó không phải là một quá trình tranh tụng bình đẳng mà như là một hình thức tranh tụng trên - dưới. Vị trí chỗ ngồi hiện nay trong phòng xét xử không phản ánh đúng vai trò của từng thành phần tham gia tố tụng. Chỗ ngồi kiểu này sẽ gây ra lầm tưởng rằng: Cả Kiểm sát viên lẫn Thư ký phiên tòa đều nằm trong HĐXX và cũng đang tham gia điều khiển phiên tòa.

Bên buộc tội và bên gỡ tội phải đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau

Luật sư Nguyễn Văn Chiến

Phóng viên: Như vậy, bên buộc tội và bên gỡ tội phải được đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau trong quá trình tranh tụng?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Tất cả người tham gia phiên tòa đều phải chịu sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Duy nhất HĐXX mới có quyền quyết định bản án. Trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết Tòa có quyền triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa, yêu cầu Kiểm sát viên kiểm sát quá trình điều tra làm sáng tỏ các tình tiết vụ án. Chủ thể Kiểm sát viên bị HĐXX hỏi và thực hiện yêu cầu của HĐXX thì không thể ngồi ngang hàng với HĐXX được.

Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố chỉ ra hành vi của bị cáo đã phạm vào tội gì và đề nghị mức hình phạt tương ứng. Luật sư thực hiện chức năng bào chữa cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Căn cứ vào chứng cứ, lập luận và các tình tiết được hai bên buộc tội, gỡ tội đưa ra, HĐXX sẽ xem xét, đánh giá bị cáo có phạm tội hay không để từ đó áp dụng quy định của pháp luật tuyên một bản án chính xác. Với tính chất, chức năng như vậy, có thể thấy rằng, HĐXX, Kiểm sát viên, Luật sư tại phiên tòa sẽ tạo thành thế kiềng ba chân, trong đó HĐXX nhân danh Nhà nước với vị trí trung tâm phải độc lập ngồi trên và giữa, dưới Quốc huy. Bên buộc tội và bên gỡ tội phải được đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau để thực hiện tốt nhất chức năng của mình.

Phóng viên: Theo ông, để thực sự bình đẳng trong tranh tụng thì mô hình phòng xử cần phải bố trí như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Về cách bố trí phòng xử án của Tòa án nhiều nước trên thế giới đều có điểm chung đó là sắp xếp bình đẳng vị trí chỗ ngồi giữa hai chủ thể buộc tội và gỡ tội. Ở nước ta, TAND TP. Đà Nẵng và một số địa phương khác đã đi tiên phong trong việc đổi mới mô hình phòng xét xử, quy định chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư ngang hàng nhau, mô hình này được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 Việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và Luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. HĐXX giữ vai trò tài phán nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất. Còn đại diện VKSND và Luật sư lần lượt giữ các vai trò buộc tội và gỡ tội phải ngồi ngang hàng nhau. Mô hình này được đông đảo các chuyên gia pháp lý và các cơ quan chức năng, trong đó có nhiều Tòa án ủng hộ việc bố trí chỗ ngồi của Luật sư ngang với chỗ ngồi của Kiểm sát viên. Việc xem xét, thay đổi vị trí chỗ ngồi trong phòng xử án ngang bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa hoàn toàn phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, thể hiện trong Nghị quyết số 08, Nghị quyết số 49 và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 5/7/2011.

Chuyện chỗ ngồi tưởng nhỏ mà không nhỏ, tôi cho rằng, muốn tranh tụng bình đẳng và dân chủ thì hãy bắt đầu từ chỗ ngồi. Chỗ ngồi chưa chắc làm nên công lý nhưng chắc chắn công lý sẽ dễ dàng được tiệm cận hơn khi những nhà làm luật, những người tiến hành tố tụng có thay đổi trong tư duy, nhận thức về vị thế, vai trò của Luật sư bắt đầu từ câu chuyện đơn giản là chỗ ngồi trong phiên tòa. Đây chính là đổi mới mô hình Tòa án, một khâu quan trọng trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên buộc tội và bên gỡ tội phải đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau