Án lệ giúp minh bạch trong xét xử và chống tham nhũng

Quốc Huy| 29/05/2015 09:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nên quy định việc áp dụng án lệ trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hay không là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ vừa qua.

Nhiều ý kiến đồng tình

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ trong BLTTDS mà cần quy định rõ trong các dự thảo Luật tố tụng về việc giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để trở thành án lệ... Việc áp dụng án lệ chung cho các hoạt động tố tụng tại Tòa án là rất cần thiết.

Tại Điều 21 của dự thảo Bộ luật đã quy định rõ, thành viên của HĐXX phải căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, các quy định của pháp luật và án lệ dân sự có liên quan để giải quyết các vấn đề của vụ án.

Thảo luận nội dung này, nhiều ĐB đồng tình và cho rằng, quy định như vậy cũng phù hợp với Luật Tổ chức TAND. Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định, xây dựng án lệ cũng là một hướng tốt để giúp cho việc tổng kết xét xử. Cùng vụ việc như vậy, qua việc tổng kết xét xử thấy nó đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy trình, các bên đều chấp nhận được, xã hội thừa nhận thì đó là công bằng, hợp lý. Nó cũng giúp cho người dân hiểu được án lệ, khi có vụ việc tương tự thì đối chiếu vào xem vụ án của mình thế nào...

Nhưng để trở thành một án lệ không phải chuyện dễ dàng mà là cả quá trình, đòi hỏi cả trình độ dân trí, cần sự chu đáo, kỹ lưỡng. ĐB Phương cũng băn khoăn, có nên đưa quy định này vào Bộ luật ở thời điểm hiện nay hay chưa? Vì việc hình thành án lệ là đúng với tinh thần, đúng với thực tiễn, nhưng cần có thời gian.

Ở góc độ người làm công tác chuyên môn, ĐB Nguyễn Sơn khẳng định việc áp dụng án lệ cũng là một cách để công khai, minh bạch trong xét xử. Ông dẫn chứng, bản án mẫu mực được lựa chọn làm án lệ khi công bố công khai sẽ thể hiện sự minh bạch trong hoạt động xét xử. Những vụ án tương tự như vậy thì không thể có đường lối khác được.

Án lệ giúp minh bạch trong xét xử và chống tham nhũng

Thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi)

ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cũng đồng tình và cho rằng, hiện nay chúng ta đang xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo BLTTDS (sửa đổi), BLTTHS (sửa đổi), BLTTHC (sửa đổi). Do vậy, việc quy định nguyên tắc chung áp dụng án lệ tại mỗi dự án Luật là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cần quy định rõ trong các dự thảo Luật về tố tụng về việc giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định cụ thể về các tiêu chí, điều kiện trở thành án lệ... để áp dụng án lệ chung cho các hoạt động tố tụng tại Tòa án.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng thống nhất với nhiều ý kiến và cho rằng, thực tế TANDTC hàng năm vẫn tổng kết công tác xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết và là cơ sở để Tòa án địa phương áp dụng khi có vụ việc tương tự.

Hạn chế kháng nghị tràn lan

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) quy định các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 323), trên cơ sở quy định của Điều 283 BLTTDS hiện hành (thể hiện tại khoản 1 Điều 323) và bổ sung thêm căn cứ mới tại khoản 2 Điều 323.

Khi thảo luận tại tổ, các ý kiến cho rằng, thực tiễn thi hành BLTTDS hiện hành cho thấy, quy định về các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm còn rất chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, chưa bảo đảm tính chặt chẽ. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) chưa khắc phục được hạn chế này, chưa cụ thể hóa được thế nào là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thế nào là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật… Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để quy định lại cho phù hợp.

Để hạn chế tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm như hiện nay, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quy định tại khoản 1 Điều 324 dự thảo BLTTDS (sửa đổi): “Người đề nghị giám đốc thẩm phải chịu án phí giám đốc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm”. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, mức án phí và thời hạn nộp án phí giám đốc thẩm.

Các ý kiến cũng đồng tình về việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm theo hướng được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Việc sửa bản án, quyết định phải rất thận trọng khi bản án đã được thi hành một phần hoặc thi hành xong nên cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như: Chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự...

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nhận định: Về nguyên tắc, giám đốc thẩm không phải một cấp xét xử, là thủ tục đặc biệt xem xét lại bản án nên nếu giao Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án của cấp dưới phải cân nhắc cho những trường hợp đặc biệt.

ĐB Phạm Hồng Phong cho rằng: Nên cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; không vi phạm thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án không đúng pháp luật, mà có thể khắc phục khi xét xử giám đốc thẩm. Quy định này là cần thiết và hợp lý, khắc phục tình trạng vụ án bị giải quyết kéo dài do phải xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại, gây tốn kém thời gian, vật chất của Nhà nước và các bên đương sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Án lệ giúp minh bạch trong xét xử và chống tham nhũng