Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III: Nhiệt huyết và những kinh nghiệm quý báu

Ghi nhanh của Nguyễn Phan Khiêm| 18/09/2015 07:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian của Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III, những tham luận được gửi đến từ nhiều thành phần...

Có người là Chánh án tỉnh, có người là thư ký, có người làm việc tại Thủ đô, có người công tác tại huyện biên giới, có người phía Bắc, có người miền Nam, miền Trung… Dù khác nhau về nhiều mặt nhưng tham luận của họ đều toát lên lòng yêu nghề và cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn mỗi đơn vị…

Trong sạch và tận tâm

Cha tôi không thể dạy tôi những kiến thức uyên bác  nhưng luôn dạy tôi sống có liêm sỉ. Cha tôi thường nhắc “ Vô liêm là đụng gì cũng lấy, vô sỉ là đụng việc gì cũng làm”, lời dạy mộc mạc đó là hành trang đi suốt cuộc đời tôi… Đó là tâm sự của Thẩm phán Huỳnh Văn Quân, TAND huyện Cần Đước, Long An, gây ấn tượng với những người tham dự Đại hội.

Ông Quân chia sẻ kinh nghiệm rằng mỗi khi nhận vụ án có khả năng chạy án thì ông  đều nghiên cứu rất kỹ các mối quan hệ để thận trọng tiếp xúc với những người có thể đặt vấn đề nhờ vả. Các bước tố tụng cũng được làm chặt chẽ để tránh hiểu lầm. Rất nhiều lần đương sự gợi ý bồi dưỡng tiền bạc, ông  đều phân tích rạch ròi, thái độ dứt khoát để đương sự chấm dứt hành vi sai trái. Nhiều trường hợp đương sự đưa trực tiếp cũng được trả lại ngay lập tức.

Vào tháng 10/2014 khi đang trong  giai đoạn giải quyết vụ án thì đương sự đến phòng xin gặp và bất ngờ đưa tiền vào hộc bàn của Thẩm phán. Ông mời đương sự ở lại nhưng đương sự chạy đi. Ông báo cáo lãnh đạo và mời đương sự đến buộc họ nhận lại. Tháng 5/2015 một đương sự đến nhà riêng khi ông Quân đi vắng, để lại giỏ trái cây. Khi về nhà ông Quân thấy trong đó có phong bì tiền. Ông kịp thời báo cáo lãnh  đạo và mang phong bì đến cơ quan kiểm đếm, lập biên bản trả lại đương sự.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Chánh án TAND tp Rạch Giá, Kiên Giang trực tiếp trình bày tại Đại hội thì kể một vụ án cụ thể. Chị Nguyễn Thị L gửi đơn ly hôn anh Trần Minh A. Hai người có một con gái 5 tuổi. Lý do xin ly hôn  là anh chồng thường xuyên nhậu nhẹt, bỏ bê trách nhiệm với vợ con. Thẩm phán thấy chuyện chồng đi nhậu thường xuyên hay quá đà thì cũng là chuyện thường ở Rạch Giá, chắc giận dỗi nhất thời nên chị L mới xin ly hôn. Ông kiên trì hòa giải nhưng nguyên đơn kiên quyết ly hôn bằng được. Chị L nói:  “Nếu Tòa không cho tôi ly hôn tôi sẽ tự tử và Tòa chịu trách nhiệm”.

Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III: Nhiệt huyết và những kinh nghiệm quý báu

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì cho các đơn vị 

Bằng kinh nghiệm của mình, Thẩm phán nghĩ chắc hẳn phải có nguyên nhân khác thì mâu thuẫn mới trầm trọng như vậy. Tìm hiểu kỹ mới biết anh A có quan hệ với người phụ nữ khác, dẫn đến đi nhiều, bỏ bê vợ con. Chị L cũng vì thế  mà cũng đi chơi với bạn bè, ít quan tâm đến gia đình. Thẩm phán  cũng biết rằng anh A rất thương con và sợ bà mẹ. Sau khi có đủ thông tin, Thẩm phán mời từng bên đến phân tích phải trái, cho mỗi bên nhận ra lỗi của mình. Hôm hòa giải, Thẩm phán yêu cầu chị L dẫn con gái đến và thuyết phục, cuối cùng nhờ sự kiên trì của Thẩm phán, anh A xin lỗi vợ và hứa chấm dứt mọi chuyện cũ… Họ về lại với nhau, sống hạnh phúc và sinh thêm một con trai.

Đó là chỉ một trong 1.169 vụ án mà Thẩm phán Nguyễn Văn Chiến  trực tiếp giải quyết trong 5 năm qua. Tính trung bình mỗi tháng ông giải quyết 19,48 vụ việc các loại. Trong 5 năm qua ông Chiến cũng hòa giải thành được 719 vụ, chiếm 61,5%. Kinh nghiệm hòa giải của ông Chiến có nhiều nhưng chúng tôi nhớ nhất câu: “Do tâm huyết với nghề, với tinh thần, trách nhiệm của người Thẩm phán, tôi không ngại khó khăn, đã cố gắng hết sức mình kiên trì hòa giải để các bên thật sự đoàn tụ”. Đúng là chỉ có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao mới có thể làm được như vậy.

Đại biểu Hoàng Văn Long, Thư ký TAND huyện Quan Sơn, một huyện biên giới nghèo của tỉnh Thanh Hóa, không có bề dày kinh nghiệm nhưng có những suy nghĩ, hành động đáng khích lệ. Biết địa bàn rộng, địa hình biên giới phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nhưng khi được tuyển dụng vào ngành Tòa án, Long đã tình nguyện lên công tác tại Quan Sơn.

Long luôn đề cao ý thức trách nhiệm, cùng với Thẩm phán giải quyết  án đạt chất lượng cao, không có án hủy, cải sửa do lỗi chủ quan. Để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng cao này, Tòa án đã mở nhiều phiên tòa lưu động, mỗi phiên tòa là một lần vất vả, gian nan nhưng Thẩm phán, Thư ký đều nỗ lực để phiên tòa diễn ra tốt đẹp, được người dân quan tâm.

Cũng chia sẻ về những phiên tòa lưu động, phát biểu trước Đại hội, Đại tá Nguyễn Thị Tuyết, Thẩm phán cao cấp, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp TAQSTW cho biết: 70% số vụ án được các Tòa án  quân sự xét xử lưu động. Điều đáng mừng là sau mỗi phiên tòa, sự phản hồi của các bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương là đồng tình, ủng hộ và cho rằng bản án có sức thuyết phục. “Những ánh mắt, nụ cười hoan hỉ, thân thiện mà cán bộ, chiến sĩ và bà con  nhân dân dành cho Hội đồng xét xử là những phần thường cao quí  đối với chúng tôi, giúp chúng tôi giữ vững đạo đức bộ đội Cụ Hồ, yêu ngành, yêu nghề hơn và yên tâm gắn bó với môi trường công tác trong Quân đội” – Đại tá Tuyết chia sẻ.

Những kinh nghiệm quí báu

Đạo đức nghề nghiệp, ngoài giữ gìn sự trong sạch còn thể hiện ở sự tận tâm với công việc, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Tham luận mà đại biểu Hoàng Thanh Thủy, Thẩm tra viên chính Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh, thương mại TANDTC, gửi đến với Đại hội  lại cho thấy những góc nhìn khác về công việc vất vả của người cán bộ Tòa án.

Hoàng Thanh Thủy được tuyển dụng vào TANDTC từ năm 1996, sau 19 năm công tác với 4 năm làm Thư ký, 15 năm Thẩm tra viên, có nhiều kinh nghiệm nên Thủy thường được giao những vụ án phức tạp. Chị nhớ mãi những người thầy đi trước đã dìu dắt mình qua những năm tháng công tác. Một vị Phó Chánh án TANDTC phụ trách đã căn dặn rằng: Nghiên cứu hồ sơ, giải quyết một vụ án như xây một bức tường, chúng ta phải nhặt từng viên gạch. Muốn bức tường vững thì từng viên gạch phải chắc chắn, từ đó mới giải quyết vụ án thấu tình đạt lý. Vì thế chị luôn thận trọng trong đánh giá chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, đảm bảo nguyên tắc toàn diện, để từ đó đề xuất hướng giải quyết đúng qui định của pháp luật. Sau khi có ý kiến lãnh đạo, chị nhanh chóng hoàn thành công văn hay dự thảo quyết định kháng nghị, quyết định của Hội đồng xét xử một cách cẩn thận để trình lãnh đạo ký và phát hành đúng qui định. Về lượng công việc, mỗi năm chị Thủy giải quyết khoảng 70 vụ, vượt chỉ tiêu được giao, nhiều vụ trong đó rất phức tạp.

Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III: Nhiệt huyết và những kinh nghiệm quý báu

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua

Một tham luận được các đại biểu chú ý là tham luận của Thẩm phán  Nguyễn Quốc Thành, Chánh tòa Hình sự TAND tp Hà Nội, chia sẻ những kinh nghiệm về việc xét xử những vụ án hình sự phức tạp. Trong 5 năm qua, TAND tp Hà Nội thụ lý sơ thẩm 3.039 vụ / 7.803 bị cáo, đã giải quyết đạt 97%; thụ lý phúc thẩm 4783 vụ / 7.141 bị cáo, đã giải quyết đạt 98,3%. Những con số đó chỉ mới nói đến khối lượng công việc rất lớn, chưa phản ánh hết tính chất phức tạp của các vụ án này. Điểm qua một số vụ án như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm tại Vinalines, phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái…; Dương Tự Trọng và đồng phạm can tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép; Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm vụ Ngân hàng ACB phạm tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế…; Đặng Trần Hoài phạm tội Hiếp dâm, Giết người;  Nguyễn Đức Nghĩa tội Giết người… ta có thể hình dung thấy mức độ phức tạp của các vụ án mà đơn vị này phải giải quyết.

Với vai trò Chánh tòa Hình sự, đồng thời trực tiếp làm chủ tọa một số phiên tòa phức tạp như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Đặng Trần Hoài, Thẩm phán Thành rút ra một số kinh nghiệm để chia sẻ với đồng nghiệp. Trước hết, đối với những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Đây phải là những Thẩm phán dày dạn kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh nghề nghiệp và có năng lực chuyên môn tốt nhất trong lĩnh vực liên quan đến nội dung vụ án.

Thứ hai là chú trọng đặc biệt đến nghiên cứu hồ sơ. Những vụ án lớn có thể lập các tiểu ban nghiên cứu từng mảng nội dung, Thẩm phán chủ tọa vừa nghiên cứu vừa là người tổng hợp. Thứ ba là thực hiện kịp thời chế độ báo cáo với cấp trên trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, VKSNDTC, Sở Công an và VKSND tp Hà Nội.

Một kinh nghiệm rất quan trọng nữa là chế độ phát ngôn, công bố thông tin. Những vụ án lớn luôn luôn thu hút sự quan tâm của báo chí, của dư luận nên phải quán triệt nguyên tắc giữ bí mật công tác đối với Thẩm phán, Thư ký và thực hiện qui chế phát ngôn đúng  qui định.

Ngoài ra là công tác chuẩn bị phiên tòa, trích xuất, dẫn giải bị cáo… Công tác điều hành phiên tòa, từ xét hỏi đến tranh luận, nghị án cũng phải hết sức khoa học, hợp lý, làm sáng tỏ nội dung vụ án và phán quyết đúng pháp luật, thấu lý đạt tình.

Đơn vị có nhiều án nhất cả nước là TAND tp Hồ Chí Minh cũng có tham luận đáng quan tâm, tham luận của đại diện Văn phòng đơn vị này cho biết: Tòa án hai cấp Tp Hồ Chí Minh hàng năm giải quyết lượng án chiếm từ 1/3 đến 1/5 số lượng án của toàn quốc. Năm 2014 là 60.043 vụ án các loại. Do đó, công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng. TAND tp Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình “Cải cách hành chính một cửa” làm bước đột phá trong công tác cải cách hành chính tư pháp. Văn phòng đã xây dựng chương trình theo ba bộ phận cơ bản gồm: Bộ phận tiếp nhận công việc; Bộ phận xử lý công việc và trình ký; Bộ phận trả kết quả giải quyết. Ba bộ phận này tạo thành một chỉnh thể thống nhất, được quản lý xuyên suốt, công việc được kiểm soát trong cả quá trình vận hành từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Theo đó, tất cả các hoạt động, công việc đầu vào của cơ quan phải thông qua bộ phận Văn phòng để nhập vào chương trình, cấp mã vạch, phân loại và chuyển giao đến các bộ phận giải quyết, xử lý. Tương tự đầu vào, đầu ra cũng thống nhất đầu mối Văn phòng trong việc phát hành, tống đạt các văn bản cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Chương trình này thật sự là bước đột phá, mang lại hiệu quả tích cực cho công tác giải quyết các loại vụ án của đơn vị.  

Khích lệ, động viên, giúp đỡ

TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh trực tiếp chia sẻ với Đại hội kinh nghiệm vừa làm tốt công tác quản lý, lãnh đạo đơn vị, vừa hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người Thẩm phán. Trước hết là chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ một cách thường xuyên, đồng thời có những chuyên đề để cùng nhau nghiên cứu, thảo luận. Bên cạnh đó, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ phải được đặt lên hàng đầu. Để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Thẩm phán, đơn vị đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về các chuyên đề thiết thực như hoạt động hòa giải trong giải quyết án dân sự, hôn nhân - gia đình; về đối thoại trong các vụ án hành chính…

Đơn vị cũng có qui định sau mỗi phiên tòa xét xử đều phải họp rút kinh nghiệm, từ Thẩm phán đến Thư ký và cả Kiểm sát viên cùng trao đổi, rút kinh nghiệm về mặt tích cực cũng như những vướng mắc, hạn chế của phiên tòa để lần sau làm tốt hơn.

Cá nhân Chánh án là một chuyên gia luật học, tham gia nhiều Hội thảo, tham gia nghiên cứu và giảng dạy ở một số cơ sở đào tạo trong và ngoài hệ thống Tòa án nên có nhiều kinh nghiệm, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc chung cũng như sự thay đổi trong chính sách, pháp luật nên khá thuận lợi cho việc phục vụ công tác nghiên cứu và công tác xét xử của đơn vị.

Chánh án TAND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Duy Hữu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua tại địa phương. Trong 5 năm qua, Tòa án hai cấp tỉnh Đăk Lăk đã thụ lý 41.824 vụ án các loại, tỉ lệ giải quyết đạt 96,88%. Thực tế cho thấy để đạt được những thành tích đó, bên cạnh công tác chuyên môn thì đơn vị đã làm tốt công tác thi đua. Kinh nghiệm được chia sẻ là làm tốt công tác phát hiện và bồi dưỡng điển hình tiên tiến; kịp thời phát động, tổ chức các đợt thi đua theo từng chuyên đề; đặc biệt là phải bảo đảm thi đua bám sát yêu cầu đặt ra với hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn.

TAND tỉnh Đăk Lăk cũng là 1/35 đơn vị trong cả nước, năm 2014 tổ chức thành công kỳ thi tuyển “Thẩm phán giỏi”, có 8 Thẩm phán đạt danh hiệu này. Năm 2015 có 5 Thẩm phán trúng tuyển phần thi thực hành “Thẩm phán giỏi” và tiếp tục thi lý thuyết…

Những hoạt động đó đã có tác dụng to lớn trong việc khích lệ, động viên cán bộ, Thẩm phán tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.

Nữ Thẩm phán Huỳnh Thị Mộng Thúy, Phó Chánh án TAND thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp chia sẻ với đồng nghiệp cả nước về việc khắc phục khó khăn của người nữ Thẩm phán để vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Trong 5 năm qua, Thẩm phán Thúy đã trực tiếp giải quyết, xét xử 943 vụ án các loại, không có bản án nào bị hủy và không có án quá hạn luật định. 5 năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nghe chị trình bày, chúng tôi nhẩm tỉnh, vậy là trung bình, mỗi năm chị giải quyết khoảng 190 vụ án, số lượng lớn nhưng  chất lượng và thời hạn như vậy thật đáng nể.

Bên cạnh nhiệm vụ cơ quan, Thẩm phán Huỳnh Thị Mộng Thúy chia sẻ: Với vai trò người xây tổ ấm, tôi phải cân bằng thời gian, sắp xếp công việc hợp lý để vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ và người con của cha mẹ hai bên. Chị dạy con tính tự lập từ nhỏ, nên cháu ý thức được trách nhiệm của mình, liên tục là học sinh giỏi và ngoan ngoãn, biết hiếu thảo với cha mẹ, ông bà… Chị chân thành mong rằng, ngoài sự nỗ lực của mỗi nữ cán bộ, Thẩm phán thì họ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo, của cơ quan, của anh em đồng nghiệp và của gia đình, người thân. Mong muốn tưởng như đơn giản của Thẩm phán Huỳnh Thị Mộng Thúy khiến tất cả nam giới trong Đại hội phải suy nghĩ thêm một chút. Tôi tin rằng những ai đọc tham luận của chị đều rất đồng tình.

Dư âm lan tỏa

Lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm truyền thống Tòa án nhân dân và Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III tổ chức tại Thủ đô Hà Nội trong không khí mùa thu rực rỡ đã khép lại, các đại biểu từ mọi miền Tổ quốc sau hai ngày hội tụ với đồng nghiệp cả nước đã trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những kỷ niệm, những tình cảm ấm áp. Mỗi đại biểu mang về đơn vị mình một nguồn năng lượng mới, đó là không khí trang trọng và phấn chấn; là những phần thưởng được trao tặng các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc; đó là kinh nghiệm được chia sẻ từ Đại hội; đó là đêm lắng nghe công diễn các tác phẩm âm nhạc, văn học về TAND; đó là những tấm ảnh chụp chung với đồng nghiệp xa gần; những bài báo mà Báo Công lý dày công chuẩn bị…

Những dư âm ấy sẽ còn lan tỏa mãi như những con sóng đua nhau đi xa, xa mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III: Nhiệt huyết và những kinh nghiệm quý báu