8 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 3)

27/12/2013 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 8 năm thi hành NQ 49, được sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, sát sao của Ban cán sự Đảng TANDTC, công tác xét xử trong toàn ngành Tòa án đã đạt kết quả cao, chất lượng xét xử đã được nâng lên rõ rệt.

Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng được đưa ra xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 

Bài 3: Chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng xét xử và công tác thông tin tuyên truyền

 

8 năm với hơn 1.885.108 vụ án các loại đã được ngành Tòa án giải quyết trong tổng số 1.969.871 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 96% là số lượng không hề nhỏ trong bối cảnh tình hình tội phạm gia tăng hàng năm như hiện nay. Trung bình mỗi năm, toàn ngành phải giải quyết 250.000 vụ án các loại, những năm gần đây là trên 300.000 vụ/năm. Nếu so với năm 2006 thì năm 2012, số vụ án toàn ngành đã thụ lý tăng 128.249 vụ; giải quyết tăng 138.894 vụ. 

 

Việc chấp hành quy định của pháp luật về thời hạn xét xử được các Toà án thực hiện khá nghiêm túc. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, hầu như không có án quá hạn luật định; tình trạng để các vụ việc dân sự quá thời hạn xét xử ở một số Toà án địa phương đã được quan tâm, tìm ra các giải pháp để từng bước khắc phục có hiệu quả. Chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước. Tỷ lệ này có tác động tích cực để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ án có sai lầm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

 

8 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 3)

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật (Ảnh Thư Kỳ)

 

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hơp kết án oan người không có tội. Cụ thể là, trong 8 năm qua chỉ có 4 trường hợp, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, các Toà án đều phối hợp chặt chẽ với các CQĐT, VKS để sớm hoàn tất hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương cũng như cả nước. Điển hình như các vụ án phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc ở một số tỉnh Tây Nguyên và gần đây là các vụ án tuyên truyền chống Nhà nước hoặc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Điện Biên; các vụ án mua bán trái phép các chất ma túy do Nguyễn Văn Hải, tức “Hải Luận” cầm đầu tại TP Hồ Chí Minh; vụ án do Lương Tô Quý cầm đầu tại Hà Tây và nhiều vụ án về kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, như vụ án buôn lậu tại Công ty Đông Nam. 

 

Đặc biệt, thực hiện cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, Toà án các cấp đã tăng cường và xét xử nghiêm minh đối với loại phạm tội này. Từ khi thực hiện NQ 49, các Toà án đã xét xử 2.781 vụ án với 6.671 bị cáo phạm các tội về tham nhũng,  trong đó có các vụ án điển hình như: Vụ án Mai Văn Dâu và các đồng phạm khác ở Bộ Thương mại; vụ án Mạc Kim Tôn ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại Đồ Sơn - Hải Phòng; vụ án Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc ban quản lý các dự án - PMU18 và các đồng phạm khác bị kết án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đưa hối lộ; vụ án Lương Cao Khải ở Thanh tra Chính phủ; vụ án Phạm Thanh Bình phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và mới đây nhất là vụ án tham nhũng tại Vinalines, được dư luận đồng tình ủng hộ... 

 

 Mặc dù còn có nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng các Tòa án đã quan tâm và làm tốt việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương, nơi xảy ra vụ án. Thông qua đó, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân và phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương. Trung bình mỗi năm, Toà án các cấp đã tổ chức khoảng 5.000 phiên toà xét xử lưu động tại địa phương, nơi xảy ra vụ án, những năm gần đây là khoảng 7.000 phiên tòa lưu động/năm. Tương tự, về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, các Toà án cũng có nhiều cố gắng, nên chất lượng giải quyết, xét xử có tiến bộ, việc giải quyết vụ án cơ bản đảm bảo đúng pháp luật. Đặc biệt, hòa giải thành chiếm tỷ lệ khá cao trong giải quyết các vụ án dân sự là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chuyên môn của cán bộ Thẩm phán ngành Tòa án. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ các vụ việc hoà giải thành chiếm tới trên 40% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ này là trên 50%.

 

Có thể thấy rằng, qua 8 năm triển khai thực hiện NQ 49 của Bộ Chính trị, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của ngành TAND đã có những tiến bộ nhất định, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp mà NQ 49 đã đề ra. 

 

Không chỉ công tác chuyên môn mà lĩnh vực thông tin tuyên truyền trong ngành Tòa án cũng được lãnh đạo TANDTC hết sức chú trọng. Ngành TAND hiện có hai cơ quan báo chí và một bộ phận truyền thông là: Tạp chí TAND, Báo Công lý và Cổng thông tin điện tử. Các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành luôn tuân thủ nghiêm túc tôn chỉ, mục đích của mình, kịp thời tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, mở các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên đăng tải kịp thời các kế hoạch, đề án, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp.

 

 Cùng với đó, các cơ quan này còn thường xuyên thông tin tới bạn đọc nhiều hoạt động của ngành trên các lĩnh vực công tác; tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành những gương người tốt, việc tốt trong thực hiện phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Cuộc vận động “Nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án”. Những thông tin tuyên truyền đó đã có tác động rất tích cực đến các cán bộ trong ngành, giúp tạo động lực học tập, phấn đấu cũng như nhân rộng gương điển hình tiên tiến, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ đến từng cá nhân, cán bộ, công chức của ngành.

 

Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành Tòa án cũng thường xuyên đăng tải các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trên các ấn phẩm của mình. Qua đó, giúp cho cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp có thêm nguồn tư liệu tham khảo, phục vụ cho công tác xét xử ngày một tốt hơn. 

 

Bài cuối: Từ kết quả Nghị quyết 49 và Chiến lược cho ngành Tòa án trong tương lai

 

Nguyên Bình

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 3)