Hoãn xét xử cựu chủ tịch Dược Viễn Đông vì hai ngân hàng tranh nhau 83,5 tỷ đồng

Đoàn Nga| 17/11/2014 09:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không hiểu do quản lý lỏng lẻo hay sự quản lý thấp kém mà hai ngân hàng Tiên Phong Bank và Ngân hàng An Bình đã bị cựu chủ tịch HĐQT Công ty Dược Viễn Đông làm giả chữ ký và hồ sơ vay gần 100 tỷ đồng.

Mặc dù, trước khi phiên xét xử diễn ra Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Nhung cho rằng tuy bị cáo Vân có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nhưng bị cáo này có nhiều liên quan đến bị cáo Nhung vì Nhung chỉ làm theo chỉ đạo của Vân. Vai trò của Vân cũng liên quan rất nhiều đến hành vi của các bị cáo khác.

Do đó Luật sư đề nghị bị cáo Vân bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt thì phải áp giải, nếu bỏ trốn thì phải truy nã. Và nếu triệu tập mà không đến, không chấp hành thì yêu cầu bắt tạm giam trước khi xét xử.

Tương tự, Luật sư bào chữa cho Lê Văn Dũng cho rằng bị cáo Vân vắng mặt sẽ gây khó khăn cho xét xử nên đề nghị hoãn phiên tòa và có biện pháp áp giải để bị cáo Vân tham gia phiên tòa. Bị cáo Lê Văn Dũng cũng yêu cầu bị cáo Vân có mặt.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo Vân đã có đơn xin xét xử vắng mặt vì tình trạng sức khỏe không đảm bảo tham gia phiên tòa, ở xa (TP Hồ Chí Minh) và đã trình bày với cơ quan điều tra. Hội đồng xét thấy không cần thiết hoãn phiên tòa nên tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Viễn Đông (DVD) Lê Văn Dũng, 42 tuổi (ở Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội), Cao Hồng Vân,42 tuổi (trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) Phó Tổng GĐ kiêm Kế toán trưởng và các đồng ph ạm v ề tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Trước đó, năm 2012, Dũng đã phải lĩnh án 4 năm tù giam vì tội “Thao túng giá chứng khoán”

Theo hồ sơ vụ án, tháng 3/2010, Lê Văn Dũng và 6 đồng phạm khác đã làm giả các giấy tờ, chữ ký để vay tiền của Ngân hàng An Bình (ABBank). Hồ sơ vay vốn giả này thể hiện, Lê Văn Dũng và Đào Xuân Hưởng cầm cố gần 1,2 triệu cổ phiếu DVD để vay 61 tỷ đồng nhằm đảo nợ ngân hàng.

Nửa năm sau, khi một khoản vay 100 tỷ đồng tại ABBank đáo hạn, Dũng tiếp tục tìm nguồn vốn để đảo nợ bằng cách vay Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Cao Hồng Vân, Kế toán trưởng DVD đã chỉ đạo một số nhân viên lập hợp đồng kinh tế giả, xuất khống hóa đơn, giả chữ ký, con dấu để Ngân hàng Tiên Phong giải ngân. Sau đó, Ngân hàng Tiên Phong đã giải ngân số tiền 83,5 tỷ đồng.

Hoãn xét xử cựu chủ tịch Dược Viễn Đông vì hai ngân hàng tranh nhau 83,5 tỷ đồng

Lê Văn Dũng và các đồng phạm tại phiên xét xử

Tiên Phong Bank và AB Bank tranh nhau 83,5 tỷ đồng

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Ngân hàng An Bình (ABBank) đề nghị Hội đồng xét xử chiếu theo quy định pháp luật để xét xử vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng.

Theo đó, ABBank cho biết hiện trên hệ thống dữ liệu của ngân hàng thể hiện có 2 khoản vay của Đào Xuân Hưởng và Lê Văn Dũng, trong đó riêng tiền gốc là 51 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay là cổ phiếu DVD. Về phần ai có trách nhiệm phải bồi thường số tiền này, ABBank đề nghị Tòa án xét xử và quyết định theo pháp luật.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Tiên phong (TPBank) trình bày đã cấp hạn mức tín dụng cho Công ty LOF, tài sản bảo đảm cho khoản vay là các khoản phải thu, hàng tồn kho luân chuyển.

Sau đó TPBank đã giải ngân tổng cộng 98 tỷ đồng. Theo hồ sơ vụ án, số tiền mà TPBank giải ngân 83,5 tỷ đồng, sở dĩ có sự khác biệt là do cáo trạng chỉ truy tố số tiền giải ngân theo 3 hợp đồng giả mạo.

Cũng theo đại diện TPBank, ngân hàng này có nhận được kết luận điều tra bổ sung, theo đó, cơ quan điều tra xác định, sau khi số tiền được giải ngân cho Công ty LOF thì đó là tiền của công ty LOF và LOF có quyền sử dụng theo nhu cầu.

TPBank không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng theo quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước thì các khoản vay là có điều kiện và phải sử dụng đúng mục đích.

Từ đó, đại diện TPBank kiến nghị tiếp tục khởi tố, điều tra bị cáo Dũng và các bị cáo khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã có thủ đoạn gian dối để vay tiền ngân hàng và sau dó sử dụng không đúng mục đích đã ghi trong hồ sơ vay vốn.

TPBank đề nghị thay đổi tư cách tham gia tố tụng của TPBank là nguyên đơn dân sự hoặc là bị hại trong vụ án. Đề nghị buộc trả lại cho TPBank số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Đáng chú ý, TPBank căn cứ vào Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị thu hồi đối với số tiền 83,5 tỷ đồng là vật chứng của vụ án. Số tiền này đã được TPBank giải ngân theo 3 hợp đồng giả mạo cho Công ty Savi và Công ty Úc Châu. Ngay sau khi tiền về tài khoản, 2 công ty này đã chuyển số tiền trên cho ABBank.

Trước đề nghị của 2 ngân hàng, Hôi đồng xét xử đã hội ý. Với nhận định các yêu cầu này chưa được cơ quan điều tra đưa ra hướng giải quyết nên Tòa án không có căn cứ xét xử. Do đó, Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoãn xét xử cựu chủ tịch Dược Viễn Đông vì hai ngân hàng tranh nhau 83,5 tỷ đồng