Hoàn thiện thể chế pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Minh Trang| 16/05/2023 15:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 16/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Đại tá Vũ Huy Khánh phát biểu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Đại tá Vũ Huy Khánh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Đại tá Vũ Huy Khánh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Đại tá Vũ Huy Khánh cho biết, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nội dung thông báo tại các văn bản có liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu kết luận
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu kết luận

Ngày 28.2.2023, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, trong đó đề nghị bổ sung dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Cùng ngày, Chính phủ có Tờ trình số 48/TTr - CP và Báo cáo số 49/BC-CP về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội.

Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Đại tá Vũ Huy Khánh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể đối với các vấn đề trọng tâm, cơ bản của dự thảo Luật.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn gia thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật như: quy định chung; quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Các đại biểu khẳng định, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

Góp ý cụ thể, một số ý kiến cho rằng, một số khái niệm trong dự thảo Luật còn chưa rõ, khó hiểu. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 3 quy định “Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên”. “Các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau”, tức là các phương tiện đến chỗ đường giao nhau sẽ nhường đường cho phương tiện nào, tại sao chỉ đến chỗ đường giao nhau mới nhường đường? Vì vậy, cần giải thích rõ hơn để người dân dễ áp dụng. 

Về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, các đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật nêu Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết. Tuy nhiên, để Bộ Y tế có cơ sở quy định chi tiết, dự thảo Luật nên đưa ra khung nguyên tắc về sức khoẻ. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý việc quy định sức khoẻ đối với một số nhóm đặc thù, nhất là người khuyết tật là nội dung đang được Việt Nam báo cáo về thực hiện quyền của người khuyết tật theo cơ chế định kỳ.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và cho biết Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại hội thảo để có báo cáo gửi cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ