Hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển lành mạnh

Trang Nhi| 20/06/2022 08:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kể từ thời điểm được Quốc hội thông qua năm 2016, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít những vấn đề tồn tại, bất cập trong thực tiễn thi hành.

“Vẫn còn nhiều cơ hội để báo chí phát triển”

Hiện nay, với sự phát triển mạng mẽ của mạng xã hội, báo chí nói chung đang đứng trước một cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt. Có thể thấy, trong luật Báo chí 2016 đã đề cập đến phạm vi điều chỉnh rộng và phức tạp, có rất nhiều vấn đề mới nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ rất phong phú, phức tạp, trong đó có những quan hệ mới.

Nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Tiktok để thu hút công chúng trẻ và gặt hái được thành công khi khai thác mạng TikTok (cả về nguồn thu quảng cáo này lẫn nội dung thông tin). Khai thác nền tảng TikTok từ đầu năm 2020, báo Thanh Niên hiện nay đã sở hữu 2,8 triệu lượt theo dõi, VTV24 có 5 triệu lượt theo dõi, Thông tấn xã Việt Nam mà cụ thể là báo Vietnam Plus đã lập kênh kiểm chứng thông tin (fact - check) trên TikTok.

anh-1.le-nghiem.jpeg
Nhà báo Lê Nghiêm - nguyên Trưởng ban Nhân Dân điện tử, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Trưởng ban Nhân Dân điện tử, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông: Các hoạt động này không trái với các quy định của luật pháp hiện hành và không gây ra thiệt hại cho xã hội. Vì vậy, không cần bổ sung các quy định để hạn chế hoặc kiểm soát hoạt động này. Ngược lại, chính sách của Nhà nước cần khuyến khích các cơ quan báo chí sử dụng mọi phương tiện công nghệ hiện đại để phát triển, nâng cao chất lượng thông tin, tăng hiệu ứng lan tỏa tới độc giả.

anh-2.anh-minh.jpg
Nhà báo Hoàng Anh Minh - Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance

Về cơ hội nào cho báo chí phát triển trong thời đại số, nhà báo Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho biết: Báo chí Việt Nam đã và đang đi theo xu thế sử dụng 3 mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời cao nhất cho báo điện tử là Thu phí độc giả, Tổ chức sự kiện và Quảng cáo kỹ thuật số.

Trong đó việc tổ chức sự kiện đã được triển khai từ lâu. Quảng cáo kỹ thuật số cũng đã được áp dụng khoảng một thập kỷ nay và tạo ra nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Riêng Thu phí độc giả thì hiện đã có một số cơ quan áp dụng, nhưng vì một số đặc thù của thị trường, hình thức này chưa phát triển và chưa hiệu quả tại các cơ quan áp dụng.

Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn doanh thu, về lý thuyết, mô hình/hình thức nào cũng đều quan trọng, miễn sao đúng luật và phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam. Ví dụ hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí muốn triển khai mô hình thu phí độc giả, nhưng vấn đề vi phạm bản quyền rất nghiêm trọng đang là một thử thách. Quyền sở hữu sản phẩm chưa được tôn trọng dẫn tới việc bán các sản phẩm báo chí để thu tiền là rất khó khăn, sẽ cần thêm thời gian để giải quyết vấn đề này.

Ông Hoàng Anh Minh cho biết: “Cá nhân tôi hy vọng trong tương lai vấn đề này sẽ được giải quyết, để các tờ báo/nhà báo giỏi có điều kiện “bán” các bài viết/sản phẩm tốt của mình một cách đúng với giá trị thật. Và cũng chỉ khi đó, các giá trị nghề nghiệp cơ bản mới được đề cao, giúp cho lĩnh vực này phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả cho đời sống”.

Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo

Luật Báo chí 2016 quy định về phóng viên là “Người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” đã không đề cập đến những phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo (chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo), dẫn đến nguy cơ hàng nghìn phóng viên chưa được cấp thẻ không được hưởng đầy đủ các quyền của nhà báo. Thế nên, đã xảy ra một số trường hợp cơ quan nhà nước tại một số địa phương không tiếp đón và làm việc với các phóng viên chưa được cấp thẻ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn về việc này. Theo đó, phóng viên chưa được cấp thẻ vẫn có đầy đủ các quyền của nhà báo, nhưng khi đến cơ quan nhà nước thì phải xuất trình giấy giới thiệu hợp lệ kèm theo chứng minh/căn cước công dân. Theo ông Lê Nghiêm, Luật Báo chí sửa đổi cần hợp thức hóa nội dung văn bản nói trên của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với cộng tác viên của cơ quan báo chí: Cộng tác viên phải có đủ tiêu chuẩn của một nhà báo, được cấp thẻ nhà báo, thì mới được hưởng đầy đủ quyền của một nhà báo. Luật Báo chí chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, không quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên, là người không phải là nhà báo. Cộng tác viên không đủ tiêu chuẩn, không được cấp thẻ nhà báo thì không được hưởng quyền của nhà báo, không được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước như nhà báo.

Một vấn đề nổi cộm nhưng chưa bao giờ cũ là thực trạng nhiều nhà báo phải đối diện với những rủi ro trong hoạt động hành nghề đúng pháp luật, đã có hàng chục vụ tiến công nhà báo, xâm phạm quyền hành nghề, sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của nhà báo, có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Thực tế là tỷ lệ vụ việc được điều tra, xử lý “đến nơi đến chốn” còn khiêm tốn. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.

anh-3.-nang-binh.jpeg
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật nêu ý kiến: Điều 25 Luật Báo chí 2016 cũng đã quy định về quyền của nhà báo: “Được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… “

Ông khẳng định: “Mọi hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp thì tùy hành vi vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản… Ngoài ra, tại Điều 167, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận những người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”. Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sẽ có thể bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Do vậy, những hành vi hành hung, gây thương tích cho phóng viên, nhà báo cần phải bị xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để ban hành những chế tài nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các hành vi cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho những người làm báo. Qua đó, tạo môi trường tác nghiệp an toàn cho mọi phóng viên, nhà báo trong quá trình hoạt động báo chí

Phát huy vai trò đồng hành của báo chí trong đời sống xã hội

Nhà báo Lê Hồng Phúc, Báo Dân tộc và Phát triển chia sẻ, hiện nay vấn đề tác nghiệp của phóng viên, nhà báo vẫn còn gặp một số trở ngại. Một trong số đó là việc báo chí bị siết chặt tôn chỉ, mục đích. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì cái xấu mà siết chặt. Cái tiêu cực cần phải được phơi bày và mọi cơ quan, tổ chức cần phải có trách nhiệm đấu tranh, tố giác. Trong hoạt động báo chí thì vấn đề thông tin chống tiêu cực rất quan trọng. Không phải là Báo Giao thông chỉ nêu vấn đề về giao thông, Báo Xây dựng chỉ nêu vấn đề về xây dựng, Báo Dân tộc chỉ nêu vấn đề về dân tộc…Khi có sai phạm thì cần đấu tranh, giải quyết chứ không phải lấy tôn chỉ, mục đích gây khó khăn cho báo chí.

anh-4.-hong-phuc.jpg
Nhà báo Lê Hồng Phúc, Báo Dân tộc và Phát triển

Ngoài ra, Luật Báo chí tại Điều 39 đã quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời báo chí, nhưng thực tế cho thấy nhiều cơ quan hành chính nhà nước hiện nay cử người phát ngôn cho có, mang tính đối phó; nhà báo, phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức như trả lời chung chung hoặc khất hẹn. Cho đến nay, dường như chưa có trường hợp nào bị xử lý vì "né" trả lời, không cung cấp thông tin cho báo chí.

Bà Phúc cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này trước hết có thể là do các cơ quan chưa hiểu về Luật Báo chí, chưa hiểu rõ về quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí nên họ nghĩ rằng nếu né tránh được nhà báo thì đồng nghĩa với việc thông tin sẽ không được đưa lên công luận. “Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ báo chí tham gia vào việc đó mà còn có người dân, mạng xã hội. Vì thế tôi cho rằng, việc né tránh báo chí là cách làm không phù hợp với xã hội đương đại, khi mà chúng ta luôn cần thông tin minh bạch, phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện nhất những mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội”, Bà Phúc nói.

Góp ý về vấn đề này, ông Diệp Năng Bình cho rằng, về cơ bản và lâu dài, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cần được đào tạo về truyền thông để hiểu vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong đời sống xã hội. Việc cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị khi phóng viên, cơ quan báo chí yêu cầu.

Ngoài ra, cần phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với báo chí để cung cấp thông tin một cách chính thống chứ không phải thấy nhà báo là né tránh. Chúng ta đã có quy định về cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí nhưng chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định này rất thấp. Thẩm quyền xử phạt lại là Sở TTTT của chính địa phương đó như vậy họ sẽ lơ là, bỏ qua. “Luật Báo chí nên quy định rõ về chế tài đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thẩm quyền nếu cố tình không trả lời thông tin trên báo chí cũng như công văn mà báo chuyển đến thì cần phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính ở mức cao hoặc có thể là xử lý về mặt hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Có như vậy mới có cơ chế xử lý những trường hợp cố ý che giấu thông tin, các cơ quan báo chí mới được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác”, ông Bình nói.

Hướng tới sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để hoạt động báo chí lành mạnh, Nhà báo Lê Nghiêm chia sẻ quan điểm: “Có nhiều vấn đề cần xem xét, bổ sung, sửa đổi pháp luật về báo chí như: Cơ quan báo chí làm kinh tế, kinh doanh như thế nào để không xung đột với sứ mệnh chính trị và trách nhiệm xã hội của báo chí.Báo chí tham gia giám sát, phản biện chính sách/phản biện xã hội như thế nào”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển lành mạnh