Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí năm 2016”.
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TT&TT; các đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.
Quang cảnh buổi Hội nghị
Cơ bản những nội dung của Luật báo chí 2016 phù hợp và đảm bảo tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng “báo hoá tạp chí”, quy định về báo chí in và báo chí điện tử; việc thoả thuận bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương; thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên và việc cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp; đối tượng thành lập cơ quan báo chí...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất một số ý kiến kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Luật báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đa số các ý kiến được các đại biểu đưa ra như: quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; việc xuất bản bản tin; quy định về việc tổ chức họp báo, dẫn nguồn báo chí, đăng, gỡ bài trên báo điện tử, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, quy định về xuất bản trên tạp chí điện tử, quy trình cấp, đổi thẻ nhà báo; quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cơ chế chính sách đối với hoạt động báo chí trong tình hình mới...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập như: Chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn. Vấn đề bản quyền báo chí, nộp lưu chiểu báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí... cũng được nhiều đại biểu đưa ra phân tích.
Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, để khắc phục tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp có nguyên nhân từ việc cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với phóng viên, cộng tác viên, dễ dãi trong việc cung cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên... thì các cơ quan quản lý báo chí, các tòa soạn báo cần cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin (họ tên, chức danh…) của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên để các đơn vị, địa phương có cơ sở đối chiếu. Điều này sẽ tránh được tình trạng mạo danh, lợi dụng danh nghĩa phóng viên, cơ quan báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, địa phương...
Bà Tô Thị Lan Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Công lý phát biểu tại Hội nghị
Theo bà Tô Thị Lan Phương - Phó Tổng Biên tập Báo Công lý (Ban Chỉ đạo công tác Thông tin - tuyên tuyền TAND), đối với hoạt động của báo chí tại các phiên tòa cũng được Tòa án các cấp tạo điều kiện tốt nhất cho nhà báo, phóng viên tác nghiệp, chuyển tải thông tin kịp thời đến người dân cả nước. Nhiều phiên tòa xét xử các đại án được báo chí thông tin chính xác, toàn diện. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc theo Luật Báo chí 2016 thì các nhà báo đã tuân thủ nghiêm túc nội quy phiên tòa theo đúng quy định tại Thông tư 02/2017/TT-TANDTC.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy Luật Báo chí 2016 thực sự là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới.
Ở phương diện khác, ông Thái Thành Chung, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (Youtube, Facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, qua thực tiễn quản lý, ý kiến của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.