Văn hóa - Du lịch

Hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất phục dựng Điện Kính Thiên

Minh Anh 01/02/2024 - 07:28

Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội tiếp tục tư vấn cho UBND thành phố hoàn chỉnh hồ sơ “Báo cáo tình trạng bảo tồn Di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội”, nộp Trung tâm di sản Thế giới vào ngày 1/2/2024 để được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng Điện Kính Thiên.

Phục dựng Điện Kính Thiên nằm trong Dự án bảo tồn, tôn tạo tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, HĐND TP. Hà Nội đã có các Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công gồm: Dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; dự án xây dựng đền thờ Đức Vua Ngô Quyền.

kinh-thien3.jpg
Chính điện Kính Thiên nằm trong phức hợp của một quần thể kiến trúc thuộc khu vực Đại Triều.

Ban Chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác nghiên cứu liên ngành nhằm làm rõ và bổ sung căn cứ khoa học đối với đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng Chính điện Kính Thiên.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 3 dự án: Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao - giai đoạn II; dự án tái hiện không gian và Điện Kính Thiên (hạ giải Nhà Cục Tác chiến, nhà Con Rồng); dự án bảo tồn phục phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa.

Việc nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên nhằm giải mã những bí ẩn kiến trúc điện trong Hoàng cung Thăng Long, qua đó làm sáng rõ hơn giá trị khoa học của những phát hiện khảo cổ học và những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Kết quả nghiên cứu phục dựng cho thấy, Kính Thiên là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần.

kinh-thien4.jpg
Cấu trúc thềm đá, chân tảng – phần đế điện Kính Thiên thời Lê Sơ (thế kỷ XV-XVI)

Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ.

Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc "đấu củng, trùng diêm", trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng, nhưng hình ảnh phục dựng điện Kính Thiên được giới thiệu tại trưng bày dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

kinh-thie2.jpg
Mô phỏng hệ kết cấu gỗ dựa theo hiện vật khảo cổ học phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho biết: "Tư liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ nếu được cũng mới chỉ cho phép ta mường tượng về cái vỏ kiến trúc thôi. Nhưng đã nói đến kiến trúc là phải nói đến nội thất. Cho nên cần nghiên cứu chuyên đề để phục dựng được nội thất. Chứ cung điện trống rỗng thì không thể làm những chức năng mới. Đây là vấn đề cần đặt ra trong phục dựng điện Kính Thiên".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất phục dựng Điện Kính Thiên