Lực lượng vũ trang Nga đã mất một tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 đầu tiên. Những bức ảnh được cho là chụp tại khu vực Pokrovsk cho thấy hệ thống này đã bị phá hủy hoàn toàn.
Theo báo cáo, tổ hợp pháo phản lực này đã bị lực lượng vũ trang Ukraine tiêu diệt vào ngày 14/2. Hiện vẫn chưa rõ Ukraine đã sử dụng loại vũ khí nào để phá hủy hệ thống pháo của Nga.
TOS-2 bước tiến mới của pháo phản lực nhiệt áp Nga
Nga đã đưa TOS-2 MLRS, còn được gọi là “Tosochka”, vào biên chế từ đầu năm 2021.
Hệ thống pháo phản lực nhiệt áp tiên tiến này lần đầu tiên được công bố tại Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow năm 2020, đánh dấu bước tiến của Nga trong việc nâng cao khả năng chiến đấu bằng vũ khí nhiệt áp hạng nặng.
TOS-2 được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tác chiến rút ra từ các khu vực xung đột khác nhau, đặc biệt là ở Syria và sau này là Ukraine, nơi mà các thế hệ tiền nhiệm TOS-1 và TOS-1A đã từng được triển khai.
TOS-2 là một bước tiến so với các phiên bản trước đó, chủ yếu nhờ thiết kế khung gầm bánh lốp Ural-63704-0010, giúp nó có tính cơ động cao hơn so với khung gầm bánh xích của TOS-1 và TOS-1A.
Sự thay đổi này giúp hệ thống dễ dàng triển khai và rút lui nhanh chóng khỏi chiến trường, giảm nguy cơ bị phản công, đặc biệt là từ UAV và các hệ thống tấn công chính xác.
Hệ thống này được trang bị 18 ống phóng rocket nhiệt áp, ít hơn so với 30 hoặc 24 ống trên các mẫu TOS-1 và TOS-1A. Tuy nhiên, TOS-2 bù đắp bằng việc sử dụng các loại đạn mới, hiện đại và linh hoạt hơn.
Sức mạnh hủy diệt
TOS-2 sử dụng nhiều loại đạn rocket khác nhau, trong đó chủ yếu là tên lửa TBS-M3 với tầm bắn lên đến 15 km.
Loại tên lửa này mang theo đầu đạn nhiệt áp được cải tiến, có sức công phá mạnh hơn so với chất nổ thông thường do tạo ra sóng xung kích và hiệu ứng chân không khủng khiếp.
Bên cạnh đó, hệ thống còn có thể sử dụng các loại rocket MO.1.01.04M và MO.1.01.04M2 với tầm bắn lần lượt là 6 km và 10 km, mang lại nhiều tùy chọn tấn công phù hợp với các kịch bản chiến đấu khác nhau.
Các loại rocket này được thiết kế để tiêu diệt công sự kiên cố, thiết giáp hạng nhẹ và bộ binh địch, gây ra hiệu ứng hủy diệt trên diện rộng.
Về khả năng phòng thủ, TOS-2 được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động và có thể lắp thêm giáp phản ứng nổ (ERA) để giảm nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) và UAV cảm tử.
Tổng trọng lượng tác chiến của TOS-2 nhẹ hơn đáng kể so với TOS-1A, ở mức khoảng 40-42 tấn so với 46 tấn của TOS-1A khi đầy tải. Điều này giúp hệ thống có độ cơ động cao hơn và khả năng sống sót tốt hơn trên chiến trường.
Việc Nga đưa TOS-2 vào biên chế là một phần trong chiến lược hiện đại hóa và đa dạng hóa hệ thống pháo binh – rocket của mình, đảm bảo rằng chúng vẫn là lực lượng tác chiến đáng gờm trong chiến tranh hiện đại, nơi mà tính cơ động và độ chính xác quan trọng không kém hỏa lực mạnh.
Sự xuất hiện của TOS-2 tiếp tục chứng minh sự đầu tư của Nga vào công nghệ vũ khí nhiệt áp – loại vũ khí đã cho thấy hiệu quả cao trong chiến đấu đô thị và công kích các vị trí kiên cố, tạo ra cả tác động tâm lý lẫn vật lý lên chiến trường.