Năm 2018, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã quán triệt thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW/2005 của Bộ Chính trị.
Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND TP. Hải Phòng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương
Đề án quan trọng đối với Tòa án
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương (BCĐ CCTPTW) vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh: Năm 2018, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra về CCTP.
BCĐ CCTPTW cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của BCĐ CCTPTW, mới đây, lãnh đạo TANDTC ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng.
Mục đích của Kế hoạch số 11/KH-TANDTC nhằm đổi mới, tăng cường nhận thức của các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tiếp cận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải đã được áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới. Mặt khác, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đổi mới mô hình tổ chức hòa giải, đối thoại tại TAND nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại. Địa điểm triển khai thí điểm tại 6 TAND cấp huyện của Hải Phòng và TAND TP. Hải Phòng; thời gian triển khai thí điểm dự kiến 6 tháng; trong trường hợp điều kiện cho phép, có thể tăng số lượng các Tòa án thực hiện việc thí điểm.
Nội dung thí điểm tổ chức bộ phận chuyên trách về hòa giải, đối thoại bên cạnh Tòa án để thực hiện hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng (theo sự tự nguyện của các đương sự, trước khi Tòa án thụ lý vụ án; kết quả hòa giải được Tòa án xem xét, công nhận khi đương sự có yêu cầu) và hỗ trợ Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng (những vụ án đã được Tòa án thụ lý theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC). Quá trình thí điểm kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong việc thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC, Hướng dẫn ban hành kèm theo Chỉ thị số 04/CT-CA ngày 3/10/2017.
Để tiến hành các hoạt động, về mặt nhân sự, TANDTC thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm do Chánh án TANDTC trực tiếp chỉ đạo với sự tham gia, phối hợp của các bộ phận nghiệp vụ, chuyên môn của TANDTC… Tại các Tòa án thí điểm, sẽ lựa chọn, xây dựng bộ phận chuyên trách về hòa giải, đối thoại, bao gồm 1 Thẩm phán chuyên trách về hòa giải và các hòa giải viên (các Thẩm phán nghỉ hưu, chuyên gia pháp luật, chuyên gia tâm lý, chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành…); thuê phiên dịch tiếng Anh. Các Thẩm phán, hòa giải viên áp dụng nội dung lý thuyết đã được tập huấn để giải quyết các vụ việc cụ thể tại các Tòa án thí điểm với sự tham gia trực tiếp của chuyên gia quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm.
Sẽ tạo sự chuyển biến tích cực
Trước đó, phát biểu tại phiên họp BCĐ CCTP TW, đánh giá về tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án và triển khai, thực hiện thí điểm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Hàng năm, Tòa án phải xét xử số lượng lớn các loại vụ án hình sự, dân sự, hành chính… lượng án thường năm sau cao hơn năm trước nên luôn trong tình trạng quá tải. Trước thực tế đó, Ban cán sự Đảng TANDTC lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác Tòa án, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác Tòa án nói chung và giải quyết các vụ án dân sự, hành chính nói riêng.
Tuy nhiên, thực trạng xét xử các loại án này đang quá tải và có chiều hướng tăng lên. Nhiều vụ án dân sự, hành chính xét xử qua nhiều cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng vẫn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm), các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác Tòa án. Để nâng cao chất lượng hơn nữa, Ban cán sự Đảng TANDTC đã đề ra 14 giải pháp và quán triệt đến các Tòa án tích cực triển khai thực hiện trong thời gian tới; trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả trong hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại giải quyết các vụ án hành chính.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, xuất phát từ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến 2020 cũng đã đề ra nhiệm vụ: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài… Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án…”. Tiếp đó, Nghị quyết 37 của Quốc hội năm 2013 cũng đã yêu cầu TANDTC chỉ đạo các Tòa án “Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự” trong toàn hệ thống TAND…
Qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án cũng có nhiều tiến bộ, trung bình hằng năm đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết, cá biệt có những Tòa án tỷ lệ này là 60-70%.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới có nền tư pháp phát triển, hòa giải, thương lượng là chế định được quy định trong BLTTDS và được nhìn nhận là phương thức phổ biến, hữu hiệu; được khuyến khích để giải quyết các tranh chấp; chi phí cho công tác hòa giải thấp hơn xét xử rất nhiều. Tại Delhi và nhiều bang khác của Ấn Độ, mô hình Trung tâm hòa giải gắn liền với Tòa án được mở rộng xuống đến cấp quận. Tòa án Ấn Độ cũng xây dựng Bộ quy tắc hòa giải để làm cơ sở cho việc tiến hành hòa giải; Học viện tư pháp của Tòa án tối cao Ấn Độ có chương trình riêng để đào tạo về hòa giải cho các học viên.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tại Hội nghị tư pháp quốc tế thường niên lần thứ 19 được tổ chức tại Washington, Mỹ năm 2016, Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã trình bày một chủ đề về vấn đề này và giới thiệu Chế định “Hòa giải bên cạnh Tòa án” như là một công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất của Tòa án trong việc xóa bỏ án tồn đọng trong quá trình giải quyết vụ án. Chế định này với phương châm “hai bên cùng thắng” là mô hình mới được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ đã đề xuất được tiến hành một dự án thí điểm tại Tòa án Việt Nam. Nếu được chấp thuận, chuyên gia Mỹ sẽ đến Tòa án Việt Nam hướng dẫn các Thẩm phán Việt Nam về các kỹ năng cần thiết để nâng cao hiệu quả hòa giải trong giải quyết các tranh chấp.
Do vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Ban cán sự Đảng TANDTC đề xuất xây dựng Đề án này; tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng theo kinh nghiệm của chuyên gia Mỹ, Ấn Độ; xây dựng giáo trình về hòa giải, đối thoại để giảng dạy tại Học viện Tòa án cho các chức danh tư pháp…