Nắng nóng kéo dài khiến mực nước dưới lòng hồ thủy điện sông Đà (tỉnh Hòa Bình) tiệm cận mực nước chết. Nhiều hộ nuôi cá lồng đứng ngồi không yên khi cá nổi trắng mặt hồ.
Theo báo cáo của UBND huyện Đà Bắc (Hòa Bình) từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2021, do lượng mưa ít, mực nước sông Đà xuống thấp, nắng nóng kéo dài đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu ôxy trong nước làm cá chết hàng loạt.
Ban đầu cá thi nhau nổi lên, há miệng lấy ôxy sau đó yếu dần. Một số hộ dân đã chủ động vớt cá lên đưa đi bán nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên ít người mua. Tính đến ngày 8/7, trên địa bàn huyện Đà Bắc, tổng số cá chết tại các xã trên hơn 33 tấn, chủ yếu là cá trắm đen, trắm trắng, cá chiên, lăng...
Những năm qua, để phát triển kinh tế nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đà Bắc đua nhau nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Đến nay đã lên tới 2.000 lồng tập trung chủ yếu ở 6 xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa.
Ghi nhận tại xã Tiền Phong, nơi có hơn 700 lồng nuôi cá của 400 hộ. Đa phần người nuôi cá lồng đều là dân tộc Mường, cuộc sống còn khá khó khăn. Để xóa đói, giảm nghèo họ mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư làm lồng, mua con giống. Bao nhiêu công sức, tiền của để mong con cá tới ngày xuất bán thì xảy ra chuyện. Người dân khóc ròng nhìn cá chết nổi trắng lồng mà lo lắng cho sinh kế của gia đình và trả lãi ngân hàng.
Ông Đinh Công Tiện (44 tuổi, ở xã Tiền Phong) xót xa: “Gia đình tôi có 6 lồng nuôi, ước tính khoảng 2 tấn cá. Đang đợi liên hệ người mua để xuất bán trả nợ ngân hàng cùng với vay anh em họ hàng. Vậy mà cá chết hàng loạt phải bán tháo, bán lỗ”.
Trước tình trạng cá lồng nuôi chết hàng loạt khiến các hộ dân điêu đứng, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các đơn vị cùng chính quyền địa phương thống kê thiệt hại. Đồng thời, huy động lực lượng giải cứu số cá đang có nguy cơ bị chết trên khu vực lòng hồ. Căn cứ tình hình thực tế sẽ báo cáo UBND tỉnh có những hỗ trợ, giúp đỡ đối với các gia đình bị thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình và Công ty Thủy điện Sơn La để có giải pháp hiệu quả. Cần có kế hoạch cụ thể về đóng xả nước hồ sông Đà. Thường xuyên thông báo cho các sở và địa phương có liên quan biết để chủ động trong công việc nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiệt hại đến phát triển kinh tế của người dân.
Chính quyền các địa phương lên kế hoạch, phương án cụ thể kiến nghị với các ngân hàng có chính sách cho người dân giãn, hoãn nợ, cho vay mới để khôi phục lồng nuôi. Về lâu dài cần có quy hoạch, khống chế số lượng lồng nuôi để đảm bảo phát triển bền vững, phòng tránh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…