Đó là tuyên bố mới đây của Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị - quân sự thuộc Viện Hudson (Mỹ) về tình trạng hiện nay của Hiệp ước Nga - Mỹ về tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).
Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 20/10 dẫn lời ông Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị - quân sự của Viện Hudson, cho biết trên thực tế có hàng chục quốc gia khác đang sở hữu loại tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF.
Cụ thể theo ông, hiện có hàng chục quốc gia khác đang sở hữu tên lửa có tầm bắn trong phạm vi cấm 500 - 5.500km. Bên cạnh đó, cả Mỹ và Nga hiện giờ đều có tên lửa từ căn cứ trên biển và trên không với tầm bắn như vậy.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, bất đồng giữa Moscow và Washington xung quanh Hiệp ước INF đã có thấy tình trạng “nan giải”; đồng thời “kìm hãm” những điểm có thể được đánh giá là tích cực về những nội dung khác, chẳng hạn như việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) hoặc ký kết thoả thuận mới về kiểm soát vũ khí, “sẽ phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại”, vị chuyên gia nhận định.
“Hiệp ước INF đã đóng vai trò lịch sử quan trọng hồi năm 1987 ở đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng giá trị của nó đã giảm sút”, ông Weitz tuyên bố.
Tuyên bố của Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị - quân sự thuộc Viện Hudson (Mỹ) đưa ra sau khi New York Times ngày 19/10 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định thông báo với giới chức Nga về việc Washington chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước INF. Vấn đề này có thể được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nêu trong chuyến thăm Nga tuần tới.
Chuyến thăm của ông Bolton được thực hiện trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga lần thứ hai sẽ diễn ra trong năm nay. Trong khi đó, tình trạng căng thẳng trong quan hệ Moscow - Washington vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với những cáo buộc của Nhà Trắng cho rằng Điện Krelin đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như liên quan sự hỗ trợ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syria và tình hình xung đột tại Ukraine.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận. Mới đây nhất, trong tháng 7 vừa qua, phía Washington tuyên bố Moscow đã vi phạm các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc của Mỹ là “vô căn cứ” và Nga hoàn toàn được phép làm tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia của mình.