Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia ngày Tết

Thảo Nguyên| 23/01/2023 13:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Uống rượu khai xuân từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, phong tục tốt đẹp này đang dần bị biến tướng và dẫn đến nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã bị ngộ độc rượu, thậm chí tử vong.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Đồng thời việc sử dụng rượu, bia cũng khiến gia tăng bạo lực. Đặc biệt giới trẻ sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng.

Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia là dễ dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là trong giới trẻ. Khi sử dụng rượu, bia, dù chỉ gặp mâu thuẫn nhỏ nhưng do người trẻ nóng vội, không kiềm chế được cảm xúc, dễ dẫn đến những hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.

Việc lạm dụng rượu, bia cũng dẫn đến tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người sử dụng. Tình trạng ngộ độc rượu, bia ở những mức nặng, nhẹ khác nhau cũng diễn ra khá phổ biến, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. 

Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia ngày Tết

Rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong những cuộc vui ngày Tết. Ảnh minh họa

Những ngày Tết, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do hệ quả từ bia rượu. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đa phần đều rất nặng và tiên lượng tử vong cao.

Ngoài ra, không chỉ nguy cơ từ rượu giả, lạm dụng quá nhiều rượu, bia cũng khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần…

Trong đó, gan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan lâu ngày dẫn đến xơ gan, tổn thương khoảng cửa của gan, hóa xơ sẹo, giảm lượng máu đến gan, suy chức năng gan.

Cũng theo BS Nguyễn Trung Nguyên, hiện nay tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Không ít người dù đã uống thuốc giải rượu song vẫn phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Thậm chí, có bệnh nhân đã uống thuốc giải rượu nhưng bị ngộ độc nặng hơn bởi họ cho rằng "dùng thuốc giải rượu rồi vẫn có thể uống vô tư".

"Nhiều người cứ nghĩ uống bia ít ngộ độc hơn uống rượu nhưng thực tế không ít bệnh nhân đã phải nhập viện vì uống bia quá nhiều. Sử dụng thuốc giải rượu là quan niệm sai lầm bởi hiện chưa có loại thuốc giải rượu nào được chứng minh có hiệu quả rõ ràng. Thực tế, các loại thuốc giải rượu hiện nay, kể cả thuốc dạng uống hay dạng tiêm, thường chỉ có tác dụng hỗ trợ; giúp bù đắp muối, khoáng, vitamin vào cơ thể người uống", BS Nguyên nói.

Ngoài ra, một thói quen giải rượu rất phổ biến hiện nay là uống nước chanh, đồ uống chua sau khi uống rượu say là một hành động không đúng. Thực tế, không nên cho người say rượu uống các loại đồ uống này vì rất dễ gây tổn thương dạ dày, viêm dạ dày.

Bên cạnh đó, uống rượu vào cũng giống như uống thuốc ngủ, người uống nhiều rượu vào rất dễ ngủ. Lúc này cho người say rượu uống nước chanh, các đồ uống chua rất dễ gây nôn. Bị nôn trong lúc ngủ, dịch nôn dễ vào phổi gây sặc, ngạt thở, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, không chỉ xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông, mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, xã hội trong việc nâng cao ý thức về tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, những điểm mới trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức xử phạt cao chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 cũng phần nào kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau, va chạm… do uống rượu, bia gây ra.

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc. Đã uống rượu bia thì không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…

Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra.

"Tết cổ truyền của dân tộc là dịp gặp gỡ, vui vẻ, mời nhau ly bia, chén rượu mừng xuân là thói quen đã có từ lâu. Thế nhưng, nếu có uống thì cũng đừng quá lạm dụng, cần tự giác điều chỉnh, không nên uống nhiều và biết uống "có điểm dừng", không ép buộc nhau uống nhiều. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia", vị  chuyên gia nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia ngày Tết