Hành trình vẻ vang và tự hào của ngành Y tế

Lập Nguyễn| 27/02/2023 17:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây 68 năm - ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế và từ đó ngày 27/2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam. 68 năm qua, ngành Y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân, mà còn đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học Việt Nam và thế giới.

Lịch sử ra đời của Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Cách đây đúng 68 năm, vào ngày 27/2/1955, trong thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế, chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi tới những lời răn dạy tâm huyết, quý báu. Ba điều quan trọng mà Bác Hồ căn dặn trong bức thư gửi các cán bộ y tế bao gồm:

“Trước hết là phải thật thà đoàn kết: Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì sẽ vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”.

“Thương yêu người bệnh: Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, phải coi những đau đớn của bệnh nhân cũng như đau đớn của bản thân, thực hiện đúng tinh thần câu nói “Lương y như từ mẫu”.

Hành trình vẻ vang và tự hào của ngành Y tế

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

“Xây dựng một nền y học của ta: Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng”.

Vì những ý nghĩa sâu sắc trong bức thư này, từ năm 1955, Đảng và nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 là ngày tôn vinh các y bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế, được gọi là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Ghi nhớ và biết ơn lời dạy ấy của Người, ngành Y tế Việt Nam từng bước phát triển, sáng tạo và hiện đại, dần đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Ngày 27/2 hàng năm không chỉ là cơ hội để Đảng, nhà nước và toàn thể người dân tôn vinh những công lao, sự hi sinh, những đóng góp to lớn của những y bác sĩ và những người làm trong ngành y trong công cuộc mang lại sự sống, niềm vui, sức khỏe cho bao bệnh nhân và gia đình, mà còn như một cơ hội để những người làm trong ngành Y tế nhìn nhận lại về trách nhiệm và sứ mệnh mà mình đã được giao phó để phục vụ nhân dân.

Nỗ lực và những thành tựu nổi bật của ngành Y tế

Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ đều có bước phát triển.

Năm 1945, Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Thành lập chưa được bao lâu, ngành y tế cách mạng đã cùng cả nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp. Mặc dù trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành Y tế vẫn duy trì và không ngừng phát triển, đảm bảo phục vụ tốt chăm sóc thương bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh. Thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời kỳ này là sản xuất được các loại vaccine phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ. Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline. Năm 1961, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine sabin phòng bệnh bại liệt và vaccine BCG phòng bệnh đậu mùa.

Hành trình vẻ vang và tự hào của ngành Y tế

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng ngành Y tế nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt phá hoại miền Bắc, ngành Y tế một lần nữa lại hoạt động trong tình trạng thời chiến. Song song với việc tăng cường cán bộ cho cơ sở, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân miền Bắc, ngành không ngừng chi viện cho miền Nam. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kiểm soát và ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm: Trong hơn 30 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch, Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động.

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán như bệnh đậu mùa (1978), bệnh bại liệt (2000), loại trừ uốn ván sơ sinh (2005), từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch. Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như: Sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV...

Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện, từ MERS-CoV, Ebola, hay cúm A/H7N9 và cả COVID-19… Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.

Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất vaccine, như vaccine cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa; ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương-khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu. Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu.

Tháng 10/2019, hai ca ghép phổi thành công đã đánh dấu kỳ tích mới trong ngành ghép tạng Việt Nam. Cùng với đó, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng - một kỹ thuật khó của y học thế giới.

Năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên đã triển khai can thiệp thành công cho gần 20 sản phụ có thai đôi và mắc bệnh lý truyền máu song thai. Kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi… được đánh giá là nhân văn, tăng cơ hội cứu sống cho các bào thai bệnh lý.

Tháng 2/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép tạng chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị và triển khai một số hoạt động ứng dụng và phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các nhà quản lý cũng kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành nền "công nghiệp y tế" theo đề án "thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030"./.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình vẻ vang và tự hào của ngành Y tế