Tâm điểm dư luận

Hạnh phúc là đồng hành

Thu Vân 20/03/2024 - 13:33

Hạnh phúc là cho đi, hạnh phúc là chia sẻ, hạnh phúc là quan tâm. Mỗi người đều có một khái niệm riêng cho hạnh phúc của mình. Nhưng hạnh phúc của quốc gia, của quốc tế thì cần có sự đồng hành.

Tháng 6/2012, Liên Hợp Quốc tuyên bố chọn 20/3 hằng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Và ngày hôm nay, người dân ở khắp nơi trên thế giới đang hòa mình trong hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc có thực sự trọn vẹn với hơn 8 tỷ người?

Tính đến ngày 20/3/2023 có nhiều quốc gia liên tục 6 năm liền được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển và Na Uy.

Các quốc gia này chiếm 5 trong số 7 vị trí hàng đầu tại Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 và đều có số điểm rất cao trong các hạng mục đánh giá: tuổi thọ, sức khỏe, GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tình trạng tham nhũng, sự hào phóng trong cộng đồng nơi mọi người chăm sóc nhau và tự do đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống…Thế thì, hạnh phúc đối với họ có lẽ không cần phải bàn cãi.

Ở chiều ngược lại, biết bao người dân một số nơi trên thế giới, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em vẫn chưa được hưởng những quyền sống tối thiểu. Không chỉ đói khát, thất học, họ còn đối mặt với nguy cơ bị bắt làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục, cuộc sống chìm trong tăm tối; hàng triệu người còn di cư, tị nạn bị mắc kẹt bên rìa các lãnh thổ, hay bất an trong lằn ranh của súng đạn.

Và ngay cả trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc hôm nay, thì ở đâu đó trên địa cầu này hàng phút, hàng giờ vẫn hiện diện tiếng súng, tiếng bom. Mỗi ngày vẫn có hàng chục thường dân ngã xuống trong cảnh tang tóc vì xung đột vũ trang.

Biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt cùng sự xuất hiện của những bệnh dịch mới khó lường cũng đã và đang là những thách thức đối với đời sống, đe dọa mạng sống của nhân loại.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc vốn bắt nguồn từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ XX.

Quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya đã đưa ra một cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Bhutan coi trọng hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và đã đề ra mục tiêu "tổng hạnh phúc quốc gia" thay vì tổng sản phẩm quốc nội.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, hạnh phúc không chỉ xoay quanh sự sung túc về kinh tế mà còn là sự quan tâm của mỗi cá nhân trong xã hội.

Ngày quốc tế hạnh phúc có ý nghĩa hối thúc Chính phủ các nước thành viên đưa hạnh phúc và phúc lợi của người dân vào các kế hoạch quốc gia và mục tiêu chính sách công, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để đảm bảo con người có một tương lai bền vững.

Việc tôn vinh hạnh phúc của nhân loại cũng được xem là bước đi cụ thể để các quốc gia có thể sống thân ái, hòa bình với nhau, cùng tạo dựng một thế giới hạnh phúc.

Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với không ít thách thức, con đường xây dựng một thế giới hạnh phúc không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có nhiều yếu tố không thể thay đổi một sớm một chiều (bạo lực, xung đột...) hay khó lường trước (thiên tai, dịch bệnh...). Nhưng có một điều chắc chắn thế giới vẫn có thể hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn nhờ tư duy, phản ứng và cách hành xử của con người trước những khó khăn, thách thức.

Chỉ có tình yêu thương nhân loại, quan tâm lẫn nhau, đồng hành cùng nhau vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

“Đi cùng nhau” thay vì bỏ lại ai đó lại phía sau; thay vì ôm mộng bá quyền, xung đột lợi ích hay vũ trang thì hãy đối thoại, hãy cùng quan tâm, hỗ trợ chia sẻ, để hồi sinh những vùng đất chết, những nơi chỉ tồn tại mà không có sự sống. Đó mới là cách lan tỏa hạnh phúc nhân loại, xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc là đồng hành