Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Thanh Phương| 01/03/2023 21:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

53 hộ dân với gần 200 nhân khẩu là dân tộc Thái (thôn Lửa, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đang phải sống tạm bợ trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt. Khi mùa mưa bão đến nguy cơ bị sạt lở và ngập lụt rất cao đe dọa tới tài sản, tính mạng của người dân. Họ đang thấp thỏm mong chờ sớm được bố trí quỹ đất tái định cư để ổn định đời sống.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2004, huyện Thường Xuân phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án di dân sống ven lòng hồ thủy điện Cửa Đạt. Khi triển khai dự án, các hộ này được cấp kinh phí tìm nơi định cư mới, một số hộ nhận kinh phí đền bù nhưng do quá ít nên không đủ để mua được đất ở mới. Do không có tư liệu sản xuất, sinh kế ổn định nên các hộ nhanh chóng tái nghèo và buộc phải “đánh đu” với khu vực ven hồ thủy điện Cửa Đạt.

Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Người dân sống tạm bợ dọc đường

Trong ngôi nhà tềnh toàng bên mép nước, ông Vi Hồng Phong, thôn Lửa, xã Yên Nhân phân trần: “Cuộc sống khó khăn lắm chú ơi. Có ai muốn mạo hiểm ở khu vực ngập nước này đâu. Chỉ là chúng tôi bây giờ biết đi đâu để sống qua ngày, đoạn tháng được. Cả nhà tôi trước được dự án hỗ trợ 60 triệu đồng, đem số tiền này chia cho 4 đứa con, số còn lại không đủ mua nhà mới. Mọi người cứ cùng nhau di chuyển hết chỗ này tới chỗ khác để mưu sinh qua ngày. Giờ thì tụ họp lại tại đây để trồng, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, thu hái lâm sản phụ để sinh sống qua ngày. Chúng tôi mong chính quyền sớm hỗ trợ chúng tôi đến nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống".

Ban đầu chỉ có hơn 10 hộ chuyển về đây sinh sống. Sau đó do nhiều yếu tố mà hiện có 53 hộ dân đang cư trú tại thôn Lửa, xã Yên Nhân. Toàn bộ khu vực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Cuộc sống không điện, không nước sạch, nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh rất cao.

Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Cuộc sống không điện, không trường, trạm

Cư trú ngay gần đó là nhà anh Hoàng Văn Linh. Anh cho biết, gia đình anh có 9 thành viên và ở đây từ năm 2005. Trước đây, anh được dự án di dân hỗ trợ 70 triệu đồng để tìm nơi ở mới, tuy nhiên gia đình đông anh em nên sau khi chia đều tiền, anh chỉ nhận được một phần nhỏ, không đủ để mua đất làm nhà mới. Hiện cuộc sống của gia đình anh cũng như các hộ ở đây rất khó khăn, chỉ trồng được 1 vụ lúa, không có điện, trạm xá, trường học đều ở rất xa. Anh Linh mong Nhà nước bố trí nơi ở mới để gia đình anh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, con cái được đi học.

Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Người dân thấp thỏm chờ tái định cư để ổn định đời sống

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường cho biết: Qúa trình di dân tái định cư có nhiều bất cập, người dân vẫn quen với nếp sống cũ nên chưa thích nghi được nơi ở mới. Những hộ dân này thiếu đất ở và đất sản xuất nên họ cư trú trái phép tại khu đất nằm dọc Quốc lộ 47. Hiện, khu đất mà các hộ dân đang sinh sống cứ vào mùa mưa nước lại dâng lên, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa Chiêm Xuân, một số người đã nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng thuộc đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Các hộ dân này đã sống ở đây nhiều năm, không có điện, trường học nằm ở khá xa so với trung tâm xã nên bất tiện cho trẻ em đi học.

Do ở bất hợp pháp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, khó khăn trong quản lý, xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng do đang thiếu quỹ đất nên không thể bố trí được. Một số nơi đủ điều kiện cấp nhưng manh mún, không thể sản xuất được. Để giúp các hộ dân có chỗ ở ổn định, huyện đã lên kế hoạch thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa (2021-2025) nhằm sắp xếp, tái định cư tập trung cho 53 hộ này tại khu Băng Lươm thuộc thôn Lửa, xã Yên Nhân. Đối với hộ ở nhà sàn, nhà không kiên cố hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, đối với nhà cấp 4, nhà mái bằng được hỗ trợ 75 triệu đồng/hộ... Tuy nhiên đến nay do thủ tục mất nhiều thời gian nên chưa thể triển khai được.

Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường (bên phải) trao đổi với PV

Thường Xuân là huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, độ dốc cao, đất canh tác nông nghiệp ít, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng lớn tới người dân. Thêm vào đó các chính sách hỗ trợ, kích cầu chưa hợp lý, đồng bộ trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp  do vậy chưa tạo ra sự đột phá trong thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Những năm qua, Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và sạt lỡ đất. Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, sản xuất, cơ sở hạ tầng; ngập lụt nhiều khu vực; sạt lở, hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện, có nhiều hộ đã phải di chuyển gấp ra khỏi vùng thiên tai nhưng vẫn chưa được bố trí nơi ở mới. Công tác xây dựng, rà soát bổ sung quy hoạch, lập dự án đầu tư bố trí dân cư đã được UBND các địa phương trong huyện quan tâm nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn khó khăn do thiếu vốn.

Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

Khu vực dự kiến làm tái định cư cho người dân thôn Lửa

Tình hình nhân dân sống tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Theo kết quả điều tra và báo cáo của các địa phương sau khi rà soát lại, trên địa bàn huyện hiện nay có 630 hộ dân đang sinh ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn các 8 xã. Trong đó có 121 hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao và 509 hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất cần sớm được bố trí tái định cư.

Mùa mưa bão lại đang đến gần, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc giải quyết các thủ tục hành chính, lựa chọn địa điểm phù hợp, an toàn để người dân được tái định cư, ổn định đời sống. Đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ để học sinh được đến trường, người trong độ tuổi lao động có việc làm hoặc đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh vùng biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư