Ngày 24/11, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra thực địa nghe báo cáo về công tác quản lý tài sản đất đai và làm việc với một số hộ dân liên quan đến việc triển khai một số dự án trên địa bàn quận Đồ Sơn.
Theo báo cáo của UBND quận Đồ Sơn, khu vực Cây Dừa (giáp khu đất Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn) diện tích trên 17.000 m2 nguồn gốc ghi là đất H (hoang). Hiện, khu đất này có 14 hộ dân đang sử dụng, trước đây được Phòng Địa chính thị xã Đồ Sơn ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm (vào năm 1998 đến 2001), thời hạn 01 năm, để kinh doanh dịch vụ.
Khu vực Phường cũ (giáp khu đất Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn) diện tích trên 15.000 m2; loại đất ghi là Khu tập thể 203 và một phần trên 36.000 m2, loại đất ghi là đồi thông (đồi Ba Đì). Hiện, có 11 hộ dân đang sử dụng, trong đó có 10 hộ sử dụng đất có nguồn gốc được cơ quan Nhà nước ký giấy phép sử dụng, hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm và hợp đồng thuê điểm xây dựng (vào năm 1992-2001), hầu hết thời hạn thuê từ 1-5 năm, để kinh doanh dịch vụ và 01 hộ chiếm đất (năm 1998) xây dựng nhà hàng kinh doanh dịch vụ.
Khu vực 203 (giáp khu đất Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn) trên 15.000m2; loại đất ghi là Khu tập thể 203 và một phần trên 36.000 m2, loại đất đồi thông (đồi Ba Đì) và đất mặt nước ven biển (vịnh Bắc Bộ). Hiện, có 34 hộ dân đang sử dụng, trong đó có 27 hộ dân đang sử dụng đất có nguồn gốc được cơ quan Nhà nước ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm (vào năm 1997-2003), thời hạn thuê 01 năm, để kinh doanh dịch vụ và 07 hộ dân tự ý chiếm đất (từ năm 1998) xây dựng nhà hàng kinh doanh dịch vụ.
Tại cả 03 khu đất trên, theo giấy phép và hợp đồng, thời hạn thuê của các hộ dân trên đã hết và không có văn bản gia hạn của cơ quan nhà nước, nhưng đến nay các hộ dân vẫn sử dụng đất, chưa hoàn trả mặt bằng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn tự ý chuyển nhượng đất, tài sản trên đất cho người khác sử dụng; các hộ dân xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ không có GPXD và sai so với GPXD được cấp; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Khu vực khách sạn Hoa Phượng (đầu Khu 1) trên 7.000 m2, được UBND thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn) giao cho Trung tâm Dịch vụ pháp triển du lịch Đồ Sơn (nay là Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử Đồ Sơn) quản lý toàn bộ cơ sở vật chất theo Thông báo số 43/TB-UBND ngày 13/4/2006. Hiện, khu đất có 06 hộ dân được ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh vào các năm 2006-2007, thời hạn thuê 01 năm, để kinh doanh dịch vụ và 01 hộ dân được Trung tâm Dịch vụ và phát triển du lịch Đồ Sơn ký hợp đồng hợp tác đầu tư năm 2014, thời hạn thuê 1 năm, để kinh doanh nhà hàng. Theo hợp đồng, thời hạn thuê đất đã hết từ lâu và không có văn bản gia hạn của cơ quan nhà nước, nhưng đến nay các hộ dân vẫn sử dụng đất, chưa hoàn trả mặt bằng; các hộ dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Khu đất do Văn phòng Quận ủy Đồ Sơn quản lý tại Khu 1, trên 1.700 m2, tiếp nhận bàn giao từ Trung tâm dạy nghề (cũ), trên đất có một số công trình. Khoảng năm 2007, Văn phòng Thị ủy Đồ Sơn cho ông Đinh Xuân Hiệu mượn để sử dụng làm nhà hàng kinh doanh dịch vụ cho đến nay (không thấy có văn bản cho mượn được lưu trữ); không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Khu đất nhà hàng Lan Hương (trước đây là nhà nghỉ Đồ Sơn, tại Khu 1) và tài sản trên đất đang do ông Nguyễn Văn Hiền quản lý sử dụng và đã ký hợp đồng cho ông Nguyễn Ngọc Chinh (chủ nhà hàng Lan Hương) thuê để kinh doanh dịch vụ. Ngày 18/3/1999, UBND thành phố có Văn bản số 637/CV-UB đồng ý cho Công ty Điện nước lắp máy Hải Phòng bán tài sản này cho Công ty Công trình công cộng Đồ Sơn với giá 287 triệu đồng. Đến tháng 4/1999, hai Công ty đã thực hiện bàn giao tài sản là nhà nghỉ Đồ Sơn và đã có ủy nhiệm chi thanh toán tiền. Theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa được UBND thành phố phê duyệt tại Văn bản số 2482/UBND-ĐMDN ngày 17/4/2015, khu đất này phải thực hiện bàn giao về UBND quận Đồ Sơn quản lý.
Khu Vạn Tác (Khu 1), diện tích trên 9.000 m2 (gồm đất hoang, đất công trình công cộng, đất đồi). Hiện, có 33 hộ dân đang sử dụng đất (xây dựng 46 công trình nhà 01 tầng, mái tôn, diện tích trung bình từ 30-40 m2). Khu đất này được UBND thành phố giao cho UBND thị xã Đồ Sơn để xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng tại Quyết định số 131/QĐ-UB ngày 24/02/1994. Từ năm 1995-2004, các hộ dân đã tự chiếm đất, xây dựng công trình không phép. Từ những năm 1998, UBND phường Vạn Sơn đã lập Biên bản vi phạm hành chính về TTXD nhưng chưa xử lý dứt điểm, các hộ dân vẫn đang sử dụng.
Khu quốc phòng tại Bến Nghiêng (phường Vạn Hương), diện tích khoảng 14.500 m2, được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ CHQS thành phố ngày 20/01/1998. Năm 2003, Ban CHQS thị xã Đồ Sơn thỏa thuận cho 06 hộ dân xây dựng nhà nghỉ để kinh doanh dịch vụ, thời hạn 17 năm (từ năm 2003-2020). Đến nay, vẫn tồn tại một số công trình và một số hộ dân vẫn đang sử dụng đất. Trên đường vào khu đất có một số hộ dân tự xây dựng nhà ở và bán hàng. Quá trình sử dụng đất, các hộ dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Với những vi phạm tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị Quận ủy Đồ Sơn kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, ký kết các hợp đồng, giấy phép, hợp tác đầu tư, cho thuê đất, thuê mặt bằng, liên doanh liên kết không đúng quy định; để các hộ dân lấn chiếm đất đai, vi phạm nhiều năm mà không xử lý dứt điểm; đồng thời chỉ đạo xử lý tài sản công theo quy định;…
Giao UBND quận Đồ Sơn chỉ đạo rà soát, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản của những cơ quan đã ký kết không đúng quy định với các hộ dân về việc cho phép sử dụng mặt bằng, điểm kinh doanh, hợp tác đầu tư tại các khu vực trên; xử lý các tài sản công đang quản lý theo thẩm quyền; xử lý tài sản vật kiến trúc của các hộ dân vi phạm tại các khu vực trên, tạo mặt bằng sạch trước khi tổ chức đấu giá; rà soát, lập hồ sơ xử phạt VPHC, lập hồ sơ cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng; truy thu nghĩa vụ tài chính về đất đai và số lợi bất hợp pháp khác của các hộ dân theo quy định; tiếp tục rà soát, kiểm tra, phát hiện các trường hợp sử dụng tài sản và đất tại các khu vực trên; phối hợp với các sở, ngành xử lý những trường hợp vi phạm khác trong các khu vực trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố việc thu hồi đất do có văn bản tự nguyện trả lại đất cho thành phố đối với Công ty CP ACS Việt Nam và Công ty CP Công trình công cộng và Du lịch Hải Phòng; chỉ đạo lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất 03 khu đất trên; chỉ đạo thanh tra việc sử dụng đất đối với một số đơn vị có diện tích đất lớn ở Khu 1 và Khu 2.
Công an thành phố rà soát trình tự, thủ tục cấp phép về PCCC và việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các hộ kinh doanh trên; ngừng cấp phép đối với các trường hợp chưa đảm bảo quy định; ngừng cấp phép PCCC và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt VPHC đối với các hộ dân.