Ngày 11/4, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng cấp Giấy xác nhận và kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa ra vào thành phố.
Dừng là phải. Bởi, với cách làm thiếu khoa học không những gây thêm những khó khăn cho doanh nghiệp mà mục đích cao nhất là phòng, chống dịch cũng không đạt hiệu quả.
Trước đó, ngày 8/4, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã ký văn bản yêu cầu các chốt kiểm dịch kiểm soát lái xe vận tải triệt để và hiệu quả hơn, trong đó có việc giao Công an thành phố chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cấp “Giấy xác nhận cho phương tiện vận tải hàng hóa của Hải Phòng ra, vào thành phố”.
Cũng tại văn bản trên, bắt đầu từ 0h, ngày 11/4, tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa ra vào thành phố phải xuất trình "Giấy xác nhận cho phương tiện vận tải hàng hóa ra, vào thành phố".
Ngày 10/4, tình trạng hàng trăm người dân đổ dồn về khu vực quận Hải An xin giấy phép dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn khiến nguy cơ cao lây lan dịch bệnh Covid-19.
Người dân chen lấn làm thủ tục xin giấy xác nhận ra, vào TP Hải Phòng trước khi có chỉ đạo tạm dừng
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra thêm văn bản chỉ đạo với nội dung kéo dài thêm thời gian cho việc cấp giấy xác nhận. Việc kiểm soát xe vận tải của Hải Phòng ra vào thành phố được thay đổi bắt đầu từ 0h ngày 12/4.
Chưa dừng lại ở đó, đến trưa ngày 11/4, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lại có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng việc cấp giấy xác nhận cho các phương tiện vận tải ra vào thành phố và yêu cầu các chốt kiểm soát tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố không kiểm soát đối với xe chở hàng hóa.
Việc thay đổi chỉ đạo như chong chóng của UBND TP Hải Phòng khiến không chỉ người dân mà cả cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục trong những ngày qua cũng mệt mỏi, bức xúc. Những nỗ lực trong 2 ngày bỗng đổ sông, đổ bể.
Có thể hiểu và thông cảm cho TP Hải Phòng với những áp lực trong công tác phòng, chống dịch bởi TP là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn nhất phía Bắc. Hàng chục ngàn phương tiện ra, vào TP mỗi ngày, nếu không kiểm soát tốt về mặt y tế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Lãnh đạo TP cũng đã thừa nhận việc này trên báo chí.
Nói như thế để thấy, việc TP ban hành những quy định kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết như trên là cần thiết. Thế nhưng, việc ban hành và thực hiện lại quá gấp gáp, thiếu khoa học dẫn đến tình trạng "vỡ trận".
UBND TP liên tục ban hành các công văn chỉ đạo "cái sau đá cái trước" trong thời gian ngắn cho thấy, ngay cả lãnh đạo thành phố cũng lúng túng, chưa tính toán hết được những bất cập có thể xảy ra. Việc làm trên khiến người dân đặt câu hỏi về năng lực quản lý của lãnh đạo thành phố. Điều này vạn lần không đáng.
Nói thêm rằng, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, TP Hải Phòng không chỉ một lần thay đổi việc chỉ đạo, điều hành. Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo TP Hải Phòng đang phải chịu áp lực lớn trước nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Trên thực tế thì đây là vấn đề chung của nhiều địa phương, của cả quốc gia và rộng ra là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì Hải Phòng. Và đây, cũng là thời điểm cần đến bản lĩnh, đến năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu.
Dân lo lắng, dân bất ổn thì lãnh đạo chính quyền càng phải vững chãi. Chứ lãnh đạo cũng vội vàng, cũng lúng túng thì dân biết dựa vào ai?
Giới trẻ có câu cửa miệng: Hải Phòng thì không lòng vòng, ấy nhưng xem ra vẫn còn lòng vòng lắm!