Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Thái Bình - Văn Hoàng| 16/09/2020 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bãi biển Cái Chiên, huyện Hải Hà nhằm ngăn chặn tình trạng biển xâm thực, xói mòn dọc bờ biển, tuy nhiên khi triển khai đã tạo ra một số “vướng mắc” cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Ngày 24/08/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 3278/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư Dự án xây dựng kè chống sạt lở bãi biển xã Cái Chiên, huyện Hải Hà. Chủ đầu tư là UBND huyện Hải Hà, tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng được lấy từ ngân sách.

Theo thiết kế được duyệt, tổng đoạn kè bãi biển dài 1.800m, chia làm 2 đoạn.Đoạn 1 dài 300m xây dựng tại bãi cát Cái Chiên (đoạn cửa đồn Biên phòng). Đoạn 2 dài 1500m xây dựng tại bãi cát Đầu Rồng.

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Đoạn kè tại thôn Cái Chiên như bức "tường thành" vững chắc trước bãi biển

Tuyến kè được xây dựng theo hình thức tường đứng kè dạng bản góc, kết cấu bê tông, cốt thép với chiều cao 4,7m, cao trình móng sâu 0,7m. Bản tường tiết diện hình vuông, lưng tường thẳng đứng, chiều cao tường 4,65m. Chân kè gia cố ống buy bê tông, cốt thép M200 đúc sẵn, trong lòng xếp đá học. Phía sau kè đắp đất với cao trình hơn 4m, chiều rộng từ 5-15m.

Ngay sau khi xây dựng xong đoạn 1 tại bãi cát Cái Chiên, nhiều người dân sinh sống ngay tại đây phản ánh, việc xây dựng bờ kè chắn sóng như vậy là quá cao, thậm chí gây tác dụng ngược, chưa thực sự hợp lý. Ngoài ra tuyến kè gây mất cảnh quan tự nhiên vốn có, thu nhỏ diện tích của bãi biển, điều này còn khiến việc sinh kế của hàng chục hộ dân dựa vào du lịch bị ảnh hưởng lớn. Sau những rặng phi lao, các nhà hàng, nhà nghỉ đều đóng cửa im lìm.

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Tuyến kè nằm giữa bãi biển vắng bóng du khách

Còn tại bãi Đầu Rồng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận bãi tắm du lịch cũng hoàn toàn không có khách tham quan. Những đoạn bờ kè nằm cách bờ phía sát rặng phi lao khoảng 5-15m vẫn đang được thi công sát mép nước.

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Đoạn kè tại bãi biển Đầu Rồng vẫn đang được tiếp tục thi công với cọc sắt được thiết kế cao hơn mặt đường khoảng 1m

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Ninh, Bí thư chi bộ thôn Cái Chiên, nhà nằm ngay sát với bờ kè cho biết:" Những năm trước đây, khách ra tắm tại bãi rất đông vì bãi biển thoải, sóng êm, nhưng kể từ khi có bờ kè thì lượng khách ra rất ít, không còn thích thú".

Ông Ninh kể, từ trước đến nay ông chưa từng thấy sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng, nếu có chỉ là ít rồi sau đó lại được bồi đắp tự nhiên. Trái lại, từ khi có bờ kè, mùa mưa bão, sóng xô vào bờ gặp bức tường bê tông cao gây áp lực lớn khiến nước bắn lên cao cả hơn chục mét. Ngoài ra, với độ cao của bờ kè khi thủy triều xuống nước cạn như hiện nay thì người dân và khách du lịch đi trên bờ bao không an toàn bởi không có lan can.

Ông Phạm Văn Tài, thôn Cái Chiên nhà cũng nằm sát bờ kè cho biết: "Dự án có ý nghĩa tốt, nhưng chưa thực sự hợp lý. Từ ngày có bờ kè thì xuất hiện sóng cao, trận bão số 3 vừa rồi, nước bắn vào tới đường (cách kè khoảng 20m). Không những thế việc xây dựng bờ kè còn tạo ra cảnh quan xấu, mất hết vẻ đẹp của bãi tắm. Năm nay khách ra, dù đặt phòng nghỉ rồi nhưng thấy có kè đều bỏ đi vì họ cho rằng phản cảm, bờ kè thì cao không có đường xuống biển. Khi thủy triều dâng lên cao sóng dồn vào giật ra không ai có thể tắm”.

Theo ông Tài, nếu bờ kè hạ xuống tầm 2m hoặc bằng với mặt biển thì hợp lý và không làm mất đi cảnh quan du lịch.

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Người dân đang trao đổi với phóng viên 

Cũng sống dựa vào du lịch, bà Lương Thị Khả năm nay 60 tuổi cho biết năm nay khách đến đặt phòng đều chê rồi bỏ đi bởi bãi không còn vẻ đẹp tự nhiên. Không những thế, trước đây sóng rất êm nhưng có bờ kè nhiều hôm sóng rất to, nước biển khiến đất đá trên bờ trôi xuống gây đục nên khách trả phòng dù mất thêm tiền.

Bà Khả cho biết, gia đình phải đi vay ngân hàng để xây dựng các phòng nghỉ phục vụ du khách. Nhưng năm nay, phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần vì khách không còn thiện cảm với cảnh quan do có bờ kè nên các phòng nghỉ của gia đình và hàng xóm xung quanh đều rơi vào tình trạng đóng cửa, không có người đến.

Không chỉ cho rằng việc xây dựng bờ kè đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế từ du lịch mà người dân nơi đây còn cho biết, khi xây dựng, chủ đầu tư là UBND huyện Hải Hà không hề lấy ý kiến nhân dân. Thậm chí, theo thiết kế, phía sau bờ kè được đắp đất thành một con đường nhưng do gặp sóng lớn và nước mưa gây ra tình trạng, xói mòn, sạt lở nghiêm trọng.

Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp

Con đường phía sau đoạn kè vừa được san gạt nhưng đã bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Lê Viết Ninh, Bí thư chi bộ thôn Cái Chiên nêu quan điểm, việc xây kè là tốt nhưng nên xây thấp, và xây kết hợp mái nghiêng theo chiều sóng lên xuống. Việc xây kè thấp kết hợp mái nghiêng sẽ loại bỏ được tình trạng sóng đập vào kè bắn nước lên cao hàng chục mét và không làm mất đi cảnh quan tự nhiên.

Trước những ý kiến phản ánh của người dân, phóng viên Báo Công lý đã có trao đổi với ông Bùi Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên. Qua trao đổi, ông Tuấn cho rằng dự án kè, chống xâm thực là rất thiết thực. Hàng năm tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra rất mạnh, có trận bão gây đổ hàng trăm cây phi lao.

Dự án này được thẩm định thiết kế từ trước năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở ngành cho ý kiến xây dựng để bảo vệ xâm thực, canh tác, lúc này chưa có phát triển du lịch. Năm 2016, đảo Cái Chiên mới có điện lưới, bắt đầu thu hút đầu tư, đi kèm với đó là lượng du khách ra đảo ngày càng tăng. Tuy nhiên, dự án kè đến năm 2019 mới bắt đầu triển khai nên hiện cũng xuất phát sinh mâu thuẫn giữa cao độ kè và phát triển du lịch.

Phóng viên cũng liên hệ với UBND huyện Hải Hà, chủ đầu tư dự án nhưng đơn vị này đề nghị để lại nội dung và trả lời sau.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh xác định dịch vụ du lịch sẽ là ngành trọng điểm trong cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bài toán bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững và sinh kế của người dân, mong rằng UBND tỉnh Quảng Ninh sớm có những giải pháp thiết thực, không để những cảnh quan thiên nhiên ban tặng dần bị lãng quên...

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Hà, Quảng Ninh: Xây kè chắn sóng cần tính giải pháp phù hợp