Sau sự cố về môi trường biển năm 2016, hơn 200 hộ dân làm nghề biển đã bất bình với cách chi trả tiền đền bù ảnh hưởng của chính quyền địa phương, họ gửi đơn cầu cứu đến nhiều nơi, nhưng đến nay, lãnh đạo địa phương vẫn làm ngơ, né tránh.
Dân tố chính quyền áp dụng sai hướng dẫn chi trả
Bao đời làm nghề biển, người dân thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh luôn xem biển là cứu cánh cho nguồn thu nhập. Sau sự cố môi trường biển, do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra, đời sống của ngư dân như bị dồn đến bước đường cùng vì không còn cá để đánh bắt và người tiêu dùng không mua cá biển.
Để khắc phục sự cố, ngày 12/8/2016, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Công văn hỏa tốc số 6851/BNN-TCTS gửi về UBND các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề thực hiện việc chi trả cho ngư dân sau sự cố Formosa. Thế nhưng, không hiểu sao chính quyền huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh lại để cho người dân thôn Đại Đồng, xã Cương Gián khiếu kiện kéo dài.
Theo phản ánh của người dân, sau nhiều lần kiến nghị, chính quyền thôn và xã Cương Gián, áp dụng sai văn bản của Trung ương trong việc bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, dẫn đến chi trả không đúng đối tượng, bỏ sót hơn 200 hộ lao động từ nghề biển tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kế (SN 1961, trú tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián - đại diện 200 hộ dân) cho biết: “Chúng tôi đã gửi không biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại đến các cấp, từ địa phương cho đến Trung ương nhưng đến nay tiền đền bù vẫn bặt vô âm tín. Trong lúc đó, lãnh đạo xã đã đến vận động tôi rút đơn, đổi lại sẽ chi trả cho tôi một phần số tiền đền bù là 8.000.000 đồng”.
Ông Nguyễn Xuân Kế trình bày sự việc với PV Báo Công lý
Rất nhiều hộ dân thôn Đại Đồng bức xúc cho rằng, chính quyền xã Cương Gián áp dụng việc thẩm định đối với lao động chế biến nước mắm bằng cách đo đếm lượng nước mắm trong từng hộ gia đình để xác định mức thu nhập chính vào thời điểm tháng 10/2016 hoàn toàn không phù hợp. Bởi lẽ, sự cố môi trường biển xảy ra từ trước tháng 4/2016, bắt đầu từ thời điểm này các sản phẩm hải sản, nước mắm gần như đều tiêu thụ rất ít. Chính vì vậy, hầu như bà con vùng biển đều cố gắng bán cho hết lượng nước mắm, muối tồn đọng. Sau đó, từ tháng 5 đến tháng 9/2016, do ô nhiễm biển nên bà con không thể lấy cá về để tiếp tục tẩm ướp, muối mắm. Do vậy, trong khoảng thời gian tháng 10, tháng 11/2016, khi hội đồng thẩm định cấp xã và cấp huyện đi thẩm định thì nhiều người dân không còn lượng nước mắm tồn đọng từ trước để được tính mức thu nhập chính.
Chính việc hiểu, vận dụng sai hướng dẫn của cấp trên như vậy nên tại các cuộc họp dân ở thôn, xóm, những người làm nghề lao động đơn giản thường xuyên, thu nhập chính từ trước thời điểm tháng 4 đến tháng 6/2016, nay do mất thu nhập, mất việc làm vì bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã không được tổ ở thôn cho vào danh sách, từ đó, bỏ sót quyền lợi của rất nhiều người dân lao động từ nghề biển, dẫn đến việc họ không được kê khai, không được thẩm định, phê duyệt để bồi thường.
Cố tình bỏ sót quyền lợi của dân
Được biết, sau nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng, ngày 23/02/2018, Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn đã có công văn số 1513/BNN-TCTS đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng chính quyền các cấp chỉ đạo kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chi trả sự cố môi trường biển trên địa bàn xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến nay, chính quyền các cấp vẫn chưa thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quang Hảo - VP Luật sư số 1 (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An), thì việc lập danh sách được bồi thường bắt đầu từ tổ, thôn tuy nhiên chính quyền thôn, xóm, hiểu và vận dụng sai đối tượng được bồi thường nên đã dẫn đến việc lập danh sách từ tổ bị bỏ sót nhiều đối tượng. Mặt khác, có những người đã được lập danh sách từ tổ, được thôn xóm bầu, nhưng quá trình thẩm định bị loại ra mà không được giải thích lý do bằng văn bản đã dẫn đến việc khiếu nại, kiến nghị kéo dài.
Công văn số 1513/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng chính quyền các cấp chỉ đạo kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chi trả sự cố môi trường biển trên địa bàn xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
Thiệt hại sau sự cố môi trường biển đã tác động rất lớn đến đời sống của ngư dân vùng biển, đặc biệt là ngư dân tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián. Người dân ở đây sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi từ biển. Để khắc phục sự cố, công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã nhận trách nhiệm và chi trả 500 triệu USD cho các địa phương bị ảnh hưởng. Nhưng điều kỳ lạ là, hơn 200 hộ dân nằm tại vùng eo biển thuộc thôn Đại Đồng, là một trong 7 đối tượng thuộc diện được chi trả nhưng vẫn chưa nhận được khoản nào cũng như công văn trả lời của chính quyền địa phương.
Để sự việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển Formosa tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân được khách quan, công bằng và minh bạch, đồng thời tránh việc khiếu nại, kiến nghị kéo dài của người dân đối với chính quyền các cấp, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vụ việc.