Hà Nội: Mưa dông xuất hiện cục bộ, nồm ẩm tiếp diễn

Minh Anh| 03/04/2021 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền núi Bắc Bộ khả năng xuất hiện lốc, sét và mưa đá trong những ngày tới. Tại Hà Nội, mưa dông xuất hiện cục bộ, nồm ẩm tiếp diễn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vùng hội tụ gió lên đến 5.000 m đang có xu hướng thiết lập ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Ảnh hưởng từ hình thái này, vùng núi Bắc Bộ sẽ có mưa dông cục bộ từ chiều tối và đêm nay (3/4).

Đến ngày 4/4, mưa dông xảy ra trên diện rộng ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Nhiều nơi khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to với lượng phổ biến 20-40 mm/ngày, có nơi mưa trên 50 mm.

mua.jpg
Đến ngày 4/4, mưa dông xảy ra trên diện rộng ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Thời tiết ngày 4/3 tại Thủ đô Hà Nội trời nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trời chuyển rét, nhiệt độ từ 17-22 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh. Trời chuyển rét với mức nhiệt phổ biến từ 16 - 26 độ.

Còn tại Đồng bằng Bắc Bộ, mưa cũng xuất hiện trong các ngày 4-6/4 nhưng với lượng nhỏ hơn. Trời mưa nhưng do nền nhiệt không quá thấp nên vẫn tạo cảm giác oi nóng.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh trong mưa dông. Đáng lưu ý, người dân cần đề phòng hiện tượng mưa đá, đặc biệt ở khu vực vùng núi.

Đợt mưa này khả năng kéo dài đến ngày 6/4, sau đó mưa giảm nhưng Việt Bắc vẫn còn có mưa lớn cục bộ. Phải đến ngày 9/4, mưa tại đây mới giảm hẳn.

mua2.jpg
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh trong mưa dông. Đáng lưu ý, người dân cần đề phòng hiện tượng mưa đá, đặc biệt ở khu vực vùng núi.

Trong thời gian chuyển mùa (tháng 4-6/2021) và đặc biệt là 10 ngày tới, cả nước có khả năng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố, yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Người dân cần được hướng dẫn cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh như: Gia cố, bảo vệ mái nhà dùng vật liệu dễ bị tốc, vỡ như proximăng, ngói; che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, người dân có thể dễ dàng đoán được là vài tiếng tới khả năng xảy ra những loại hình thiên tai nào.

Mỗi khi thấy các hiện tượng như mây đen kéo đến, gió bắt đầu nổi lên, người dân cần tìm nơi tránh trú, không di chuyển trên đường.

Theo quy luật, lốc, sét xảy ra trong khoảng 30 phút đầu của một trận mưa dông, sau đó sẽ chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mưa dông xuất hiện cục bộ, nồm ẩm tiếp diễn