Vấn đề quan tâm

Hà Nội: Manh nha một khu cắm trại sau “dự án trang trại” ở huyện Gia Lâm

K.N 10/01/2024 09:40

Hai dự án “kinh tế hộ, trang trại” tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội thuê của Nhà nước tổng cộng hơn 35.000m2 đất nông nghiệp nhưng trong gần 5 năm qua, chủ đầu tư hầu như không triển khai được hạng mục nào theo mô hình chăn nuôi, trồng trọt được phê duyệt. Thay vào đó, một số công trình sai phép đã “mọc” trên đất nông nghiệp.

Biển giới thiệu khu “cắm trại” xuất hiện tại khu đất “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”

Như Công lý đã thông tin, cuối năm 2018, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định phê duyệt phương án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ tại khu chăn nuôi, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn” (Phương án) trên tổng diện tích gần 22.000 m2 đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công do UBND xã quản lý.

anh-da-ton-gia-lam.jpg
Tại khu đất “trang trại” mới xuất hiện một biển quảng cáo khu cắm trại Nắng.

Thời gian thực hiện Phương án là 5 năm. Sau thời gian trên, nếu Nhà nước chưa thu hồi thì UBND xã thành lập Hội đồng đánh giá việc thực hiện phương án, thống nhất giá thuê thầu, trình UBND huyện phê duyệt làm cơ sở gia hạn ký hợp đồng…

Đầu năm 2019, ông Đào Mạnh Cường (thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn) đã trúng đấu giá thuê khu đất để thực hiện Phương án.

Tuy nhiên, trên khu đất hầu như không có hạng mục nào theo đúng mô hình “trang trại, kinh tế hộ” đã từng được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt. Thay vào đó, nhiều công trình không phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện như: nhà xưởng, sân bê tông, bãi để xe ô tô, rửa xe ô tô. Vì vậy, vào cuối năm 2019, UBND xã Đa Tốn đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư (ông Cường), buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (phá dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm).

Cho đến nay, đã gần hết thời hạn thuê đất nhưng khu đất trên vẫn không có hạng mục, cây trồng, vật nuôi nào thể hiện là một mô hình trang trại cả.

Đối diện khu đất trên là Khu lò gạch, cũng được xã Đa Tốn đề xuất và huyện Gia Lâm tổ chức đấu giá cho thuê làm mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau nhiều năm “án binh bất động” thì nhiều tháng nay, khu lò gạch này đã bắt đầu xuất hiện một số công trình (dạng nhà lá, nhà chòi phục vụ ăn uống) mang dáng dấp khu du lịch chứ không phải trang trại trồng trọt, chăn nuôi như Phương án ban đầu. Đặc biệt, phần giáp mặt đường, ngay cổng vào khu đất đã xuất hiện một biển lớn mang tên “Nắng CAMPING & GLAMPING” (tạm dịch “khu cắm trại Nắng”). Bên trong, hàng loạt cây cối đã được “chăng đèn, kết hoa” như chờ ngày mở cửa.

Trong khi đó, Quyết định phê duyệt Phương án của UBND huyện Gia Lâm nêu rõ, UBND xã Đa Tốn chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện những nội dung của Phương án; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phương án…Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo nội dung của Phương án hoặc thực hiện sai cơ bản nội dung Phương án, UBND xã chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan lập hồ sơ đề nghị UBND huyện thu hồi Quyết định phê duyệt phương án

Đằng sau việc “hợp tác sản xuất” là gì?

Vào tháng 10/2023, nhận thấy khu đất trên bắt đầu xuất hiện dồn dập các hoạt động xây dựng có dấu hiệu không đúng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, một số hộ dân đã phản ánh thông tin tới Báo Công lý. Trao đổi với PV vào thời điểm đó, ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho biết, “tôi mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm được cụ thể về việc sử dụng đất của dự án. Nhưng trước đây, khi công tác ở xã khác, tôi đã biết về vụ việc qua nhiều cuộc họp ở huyện, hay qua những lần tiếp xúc cử tri. Tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra”.

anh-da-ton-gia-lam-2.jpg
Một góc của khu đất được sử dụng làm nơi mua và chứa phế liệu.

Nhận được thông tin về việc xây dựng không có dấu hiệu chấm dứt, vào đầu tháng 1/2024, chúng tôi nhiều lần gọi điện, nhắn tin đề nghị được ông Đinh Văn Giảng thông tin về việc kiểm tra, xử lý vụ việc như đã hứa, nhưng không nhận được hồi âm.

Trong khi đó, một người dân địa phương thì cho hay, thật ra dự án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” chỉ là “vỏ bọc” vì việc đầu tư sản xuất nông nghiệp (trồng cam, bưởi, ổi, xoài…và nuôi cá) theo phương án được duyệt sẽ không hiệu quả. Ngay từ sau khi đấu giá thành, khu đất đã có dấu hiệu “chia khu” theo các mục đích sử dụng khác nhau mà rất có thể ẩn chứa sau đó là những chuyển nhượng “ngầm”, thỏa thuận “ngầm” về việc cùng nhau khai thác khu đất.

Vào tháng 6/2023, khi làm việc với đoàn kiểm tra của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, ông Đào Mạnh Cường (người trúng đấu giá thuê đất khu chăn nuôi) thừa nhận có “hợp tác” với 5 cá nhân trên địa bàn xã Đa Tốn để cùng tổ chức sản xuất (việc thỏa thuận góp vốn bằng miệng); Còn ông Nguyễn Văn Đán (người trúng thầu thuê đất khu lò gạch) cũng thừa nhận “đã hợp tác với 4 cá nhân (góp vốn) để cùng sản xuất (có hợp đồng, biên bản hợp tác).

Tại buổi kiểm tra, đại diện UBND xã cho biết “quá trình quản lý, chủ đầu tư có thực hiện hợp tác với cá nhân để cùng sản xuất. Tuy nhiên, không có hiện tượng chia lô”.

Nhưng có thể thấy rằng, trong toàn bộ hồ sơ đấu giá cũng như phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hề có nội dung cho phép chủ đầu tư được “hợp tác” hoặc liên kết với các cá nhân khác để cùng tổ chức sản xuất. Tại Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng (do UBND huyện Gia Lâm phê duyệt) chỉ nêu, vốn đầu tư thực hiện phương án do chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn tự có và tự huy động”. Còn Phương án đấu giá, Quy chế đấu giá… cũng chỉ cho phép hộ gia đình có hộ khẩu trên địa bàn xã Đa Tốn tham gia đấu giá.

Với nội dung này, một luật sư nêu ý kiến, việc “huy động vốn (tức vay vốn”) khác hẳn với việc góp vốn để cùng sản xuất” Bản chất quan hệ cho vay là được đòi lại tiền. Còn “góp vốn để cùng sản xuất” còn yêu cầu người góp tiền phải tham gia sản xuất, điều hành công việc trên nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”. Còn Quy chế đấu giá chỉ cho phép hộ gia đình tham gia đấu giá thuê đất, tức là bất cứ một “liên doanh”, “liên kết” nhiều hộ gia đình, hoặc nhóm hộ gia đình đều không thuộc đối tượng được thuê đất.

Trao đổi với PV, ông Đ. (huyện Gia Lâm) cho biết, ông đã phải chi hơn 6 tỷ đồng cho một người quen với lời hứa hẹn sẽ được giúp để mua, sử dụng hơn 5.000 m2 đất tại khu Chăn nuôi, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn làm nhà xưởng chế biến nguyên liệu gốm sứ. Tuy nhiên, sau khi nhà xưởng bị UBND xã Đa Tốn yêu cầu phá dỡ thì ông mới biết đây là đất trúng đấu giá để thực hiện mô hình trang trại, không được làm nhà xưởng.

Trước thông tin về hiện tượng chuyển nhượng “ngầm” một số diện tích đất nông nghiệp tại dự án nêu trên, trao đổi với PV vào thời điểm tháng 10/2023, ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho biết, nếu đúng như vậy thì sự việc rất phức tạp, cần sự vào cuộc của cơ quan công an. Chúng tôi khuyến khích những người bị lừa đảo gửi đơn tố cáo đến cơ quan. Đối với hai dự án trang trại, sẽ hết thời gian thuê đất vào tháng 3/2024. Việc có được gia hạn hay không thì chúng tôi phải kiểm tra đánh giá toàn diện. Nếu dự án không hiệu quả hoặc những điều chỉnh của chủ đầu tư không được huyện chấp thuận thì cũng không thể tiếp tục ký giao tiếp được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Manh nha một khu cắm trại sau “dự án trang trại” ở huyện Gia Lâm