Trong thời gian qua, nhiều chợ cóc và chợ tạm đã lấn chiếm lòng đường và vỉa hè tại TP. Hà Nội, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.
Hiện nay, dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt chợ cóc và chợ tạm hoạt động trong nhiều khung giờ tại nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hà Nội.
Điều đáng chú ý là những chợ này thường nằm ở những vị trí có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, mà còn làm mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, trong giờ cao điểm, người mua và người bán sẽ dựng xe tràn lan trên lòng và lề đường, khiến giao thông trở nên lộn xộn.
Toàn thành phố hiện có 453 chợ. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn quận, huyện giai đoạn 2022 - 2025.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc, hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…
Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để giải tỏa các chợ cóc và chợ tạm trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện tượng các chợ cóc, chợ tạm vẫn mọc lên tự phát tại nhiều điểm mà chưa được xử lý vẫn còn.
Ghi nhận của Phóng viên Báo Công lý tại khu vực đường Nguyễn Thị Thập (Hà Nội):