Trong buổi chia sẻ với báo chí sáng nay tại Bệnh viện Việt Đức về những câu chuyện xung quanh các ca hiến, ghép tạng, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn đã nói: “Nhiệm vụ của tôi là đến khi chết vẫn tuyên truyền về chết não”.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, GĐ Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia cho biết, số người đăng ký hiến tạng trên cả nước tính đến ngày 31/12/2015 là 3.542 người, số lượng người được ghép tạng là 2.348. Trong số đó, chỉ có khoảng 11% là đến trung tâm trực tiếp đăng ký còn lại là đăng ký ở các sự kiện lớn trên cả nước. Theo số liệu thống kê nam giới hiến tạng nhiều hơn nữ giới.
GS. TS. Trịnh Hồng Sơn
GS. TS. Trịnh Hồng Sơn cho hay, độ tuổi vàng để hiến tạng là từ 18-27 tuổi. Tuy nhiên, trên thế giới có trường hợp hơn 80 tuổi vẫn đăng ký hiến tạng vì các chỉ số của người ghép và người cho phù hợp. Vì vậy, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn khẳng định, ở độ tuổi nào cũng có thể hiến và ghép tạng. Tuy nhiên, cái khó nhất của hiến tạng hiện nay theo GS. TS. Trịnh Hồng Sơn là thiếu nguồn tạng và người dân chưa thật sự hiểu về chết não.
Khi đã chết não thì cơ hội sống là 0%, vì thế nếu những người chết não hiến tặng mô, tạng sẽ cứu sống được rất nhiều người đang bị suy tạng giai đoạn cuối. Thực tế mỗi năm có hàng nghìn người mòn mỏi chờ tạng để ghép nhưng chưa tìm được nguồn tạng thích hợp. GS. TS. Trịnh Hồng Sơn xác định ông sẽ tuyên truyền về chết não cho đến khi chết.
Phá định định kiến về việc hiến mô, tạng và ghép tạng là rất khó. Để phá định kiến đó, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn đã vừa đi mổ vừa tuyên truyền, khi nói quá nhiều về hiến tạng ông còn bị người khác cho là không bình thường.
“Dù đi đâu hay làm gì vẫn phải tuyên truyền. Và, hiệu quả của việc tuyên truyền là chúng tôi phải mang được những lá đơn tình nguyện hiến tạng về”, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.
Ngoài những khó khăn trong việc trong việc vận động hiến tạng hiện nay, vấn đề người sống hiến tạng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không, được công chúng đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn nói rằng, quy trình ngành y rất rõ ràng, không phải cứ muốn cho là cho được. Hầu hết những trường hợp cho tạng phải đủ tiêu chuẩn mới được cho.
Với người cho, đó cũng là một ca mổ, dù nặng nhất hay nhẹ nhất cũng có nguy cơ xảy ra. Ví dụ như khi lấy thận, các bác sĩ tiến hành phải đo chức năng của thận trái, thận phải, khi đảm bảo các yếu tố về sức khỏe các bác sĩ mới cắt một trong hai quả thận. Còn về việc có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn thẳng thắn thừa nhận là có ảnh hưởng nhưng nếu được chọn lọc và theo dõi tốt sức khỏe vẫn bình thường. Những trường hợp người sống cho tạng thường là người thân của nhau.
Hiện nay, chi phí cho mỗi ca ghép tạng ở Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí đó so với thu nhập của người Việt Nam là một số tiền rất lớn.
Trước câu hỏi khi người dân muốn làm các xét nghiệm để hiến và nhận tạng mà không có BHYT, BHXH chi trả phải làm thế nào? GS. TS. Trịnh Hồng Sơn giải đáp, với những trường hợp tình nguyện đến trung tâm hiến tạng, trung tâm sẽ bỏ toàn bộ tiền để làm các xét nghiệm. Trường hợp có bảo hiểm thì các xét nghiệm tối thiểu đó BHXH, BHYT hoàn toàn có thể lo được. Bệnh nhân sau ghép tạng được chi trả toàn bộ, nếu có mua bảo hiểm.
Đặc biệt, với những trường hợp ghép tạng ở nước ngoài nhưng sau ghép về Việt Nam theo dõi rất tiếc là có kết quả không ổn vì quá trình theo không tốt.
Chi phí cao cũng là rào cản ghép tạng đối với những người nghèo nhưng không phải vì thế mà họ không được ghép. Bên cạnh đó, có những người giàu đủ điều kiện về kinh tế nhưng lại không được ghép vì các chỉ số không phù hợp.