Đời sống

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần quy định đặc thù, vượt trội để Thủ đô phát triển

Đ. Việt 01/08/2023 11:14

Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP.Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học

Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu là đại diện của Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân độc; Viện nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

z4564526985923_8fb94697483cae9d93b4227a3f19cfa0.jpg
Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn phát biểu điều hành hội thảo

Đặc biệt, Hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ tri thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn TP.Hà Nội.

z4564526978844_27c352a358dc343f4dfa925260d3417e.jpg
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nhấn mạnh, các tham luận khoa học và các ý kiến phát biểu tại hội thảo là căn cứ khoa học quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là “đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn tập trung thảo luận làm sáng rõ các vấn đề như: Cần bổ sung các quy định gì về vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước; tính đặc thù, vượt trội, vượt trước trong Luật để Thủ đô phát triển; đánh giá về tính toàn diện, tầm nhìn chiến lược trong các chính sách của Luật; cơ chế để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong quy hoạch và quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, phát triển nông nghiệp nông thôn, hệ thống y tế hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội bao trùm và bền vững, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát huy nguồn lực con người.

Quy định đặc thù cho đô thị đặc biệt

Hội thảo đã nhận được 48 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các Trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, có 11 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các tham luận tập trung góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn đã được thông qua.

z4564526992497_2a68c97768381eb9e2211bf1c6c6a9f3.jpg
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng Thủ đô Hà Nội trong những năm qua đã phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, Thủ đô cần có bước phát triển đột phá nhằm tạo bước chuyển biến trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

z4564836927526_4b1932bc3bd4e783db36b9243bb5e8e9.jpg
TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội

Hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay, đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai.

“Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa. Các đặc trưng đó chi phối đến quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô. Vì vậy, phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị, chức năng của đô thị với các đặc điểm của vị trí địa lý, sắc thái văn hóa, tập quán dân cư, mối quan hệ tương tác trong vùng… đảm bảo thiết kế phù hợp dựa trên nguyên lý chung về tổ chức không gian đô thị đồng thời tính toán được những đặc trưng của đô thị Hà Nội”, TS. Chu Mạnh Hùng bày tỏ.

Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại

Liên quan tới quy định “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y” tại dự thảo Luật, hiện có một số quan điểm không đồng nhất về nội dung này xuất phát từ các góc nhìn khác nhau.

z4564579106167_96978048764c6758108ff668556c8707.jpg
GS.TS.BS. Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội đóng góp ý kiến tại hội thảo

Theo GS.TS.BS. Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội, Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 không còn khái niệm “bệnh viện hạng đặc biệt”; do vậy cần xem lại sự phù hợp của việc chuyển các bệnh viện tuyến cuối “hạng đặc biệt” thuộc Bộ Y tế quản lý. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc các Bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội hoặc các Trường Đại học Y quản lý là phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, cần phải đặt các Trường Đại học Y trên địa bàn là ưu tiên số 1 vì các bệnh viện thực hành này của các Trường Đại học Y sẽ là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, Trường đại học Y, Dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng bởi lẽ chỉ riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này.

“Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí”, GS.TS.BS. Tạ Thành Văn nói.

Cùng với đó, GS.TS.BS. Tạ Thành Văn cũng đề xuất về việc xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai..; và thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hàng năm...

Các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần quy định đặc thù, vượt trội để Thủ đô phát triển