Theo luật sư Trương Quốc Hòe, hành vi đuổi sản phụ sắp sinh ra khỏi xe trên đường đến bệnh viện cấp cứu của tài xế lái xe taxi là rất vô tâm, thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vụ việc đau lòng xảy ra vào sáng ngày 17/8 tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Theo thông tin ban đầu, vào lúc 5h sáng cùng ngày, chị Vi Thị Y. (33 tuổi) đang mang bầu 7 tháng bất ngờ đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ. Gia đình lập tức gọi nhà xe TA.N để đưa sản phụ đi viện.
Chị Vy Thị Y. bị tài xế bỏ rơi bên đường
Nhưng đi đến giữa đường, thấy sức khỏe chị Y. ngày càng yếu, có thể đẻ trên xe, lo sợ sẽ liên lụy đến bản thân và gặp xui xẻo, tài xế đã nhất quyết đuổi gia đình sản phụ xuống xe rồi chạy mất. Vì đứa trẻ đã lọt khỏi bụng mẹ nên gia đình phải tiến hành đỡ đẻ cho sản phụ ở bên đường. Tuy nhiên, con chị Y. vừa chào đời đã tử vong thương tâm.
Nhìn nhận về tính chất pháp lý của vụ việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe - Văn phòng luật sư Interla cho biết, việc giúp đỡ người ốm đau, họan nạn là đạo đức, là tình người. Bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc nên trong một số trường hợp, cứu giúp người bị nạn còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ công dân khi thấy người khác lâm và tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người nào có khả năng giúp đỡ người trong tình trạng nguy hiểm đến tình mạng mà cố tình không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó tử vong thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Luật sư Trương Quốc Hòe
Trong trường hợp này, hành vi đuổi sản phụ sắp sinh ra khỏi xe trên đường đến bệnh viện cấp cứu của tài xế lái xe taxi là rất vô tâm, thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc này đã khiến cho đứa trẻ tử vong.
Trường hợp thứ nhất: Đứa trẻ được sinh ra, tuy nhiên do yếu tố ngoại cảnh khiến bé bị tử vong. Hành vi đuổi sản phụ sắp sinh xuống xe của tài xế có thể đã đủ yếu tố cấu thành và bị khởi tố về tội “ Không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Trường hợp thứ hai: Đứa trẻ tử vong trong trước khi sinh ra. Trong trường hợp này thì pháp luật chưa có quy định cụ thể trách nhiệm hình sự đối với tài xế.
Có ý kiến cho rằng thai nhi thì chưa được pháp luật thừa nhận là “con người”- chưa sinh ra nên không thể áp dụng quy định này để xử ý hình sự. Về mặt pháp luật cũng chưa có quy định chính thức thai nhi là một con người. Tuy nhiên, pháp luật đã có rất nhiều những quy định gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người- một chủ thể:
Tại Bộ luật dân sự cũng đã quy định về “Người thừa kế là cá nhân phải là người con sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và con sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”. Đối với thai nhi, mặc dù chưa được sinh ra nhưng vẫn được pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Tại Bộ luật Lao động cũng có rất nhiều quy định về chế độ thai sản và những hạn chế bắt buộc khi xử lý kỷ luật, giới hạn quyền lợi của người sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ mang thai cũng là gián tiếp bảo vệ quyền lợi của thai nhi.
Tại Bộ luật hình sự cũng có rất nhiều quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của thai nhi còn chưa chào đời trước hành vi xâm phạm đồng thời là tình tiết tăng nặng, định khung tăng nặng như Điều 123, Điều 140, Điều 148, Điều 168…
Trong trường hợp này, có lẽ cơ quan cảnh sát điều tra sẽ cân nhắc, củng cố chứng cứ xem có đủ căn cứ cấu thành tội phạm hay không?
“Sự việc trên đã gây phẫn nộ trong dự luận về sự “ thờ ơ, vô cảm”, “ nhẫn tâm” đến đáng sợ của người lái xe. Cho dù có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho người lái xe nói riêng và cho toàn thể xã hội nói chung về việc giúp đỡ người khác trong tình trạng khó khăn”, luật sư Hòe chia sẻ.