Gia tăng mạnh đầu phiên nhưng kết phiên VN-Index chỉ còn tăng nhẹ. Chính vì vậy, các chuyên gia lo ngại thị trường sẽ có phiên điều chỉnh và nhà đầu tư nên thận trọng, bám sát diễn biến thị trường.
Rủi ro xuất hiện phiên điều chỉnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch ngày 12/03 đã kết thúc với diễn biến trái chiều giữa các chỉ số chính trên hai sàn HOSE và HNX. Thanh khoản mặc dù vẫn ở mức cao nhưng FPTS cho rằng diễn biến phiên 12/03 không thật sự lạc quan khi mà nhóm cổ phiếu trụ cột VNM, VIC, BVH… là nguyên nhân chính giúp VN-Index duy trì đà tăng điểm, trong khi đó áp lực bán chốt lời có xu hướng gia tăng tại nhiều nhóm ngành.
Hiện tại chưa có thông tin nào đủ mạnh để tác động lớn lên thị trường, nhưng tâm lý thận trọng bắt đầu xuất hiện ở một số nhà đầu tư với lo ngại hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường.
Về kỹ thuật, chỉ số HNX-Index vẫn đang phản ánh trung thực hơn xu hướng thị trường trong ngắn hạn khi liên tục đưa ra những cảnh bảo sớm chính xác trong hơn 2 tuần qua. Theo đó, FPTS cho rằng rủi ro xuất hiện phiên điều chỉnh trên vùng đỉnh cũ là khá cao, nhà đầu tư nên sự thận trọng bám sát diễn biến thị trường trong giai đoạn này và có thể cân nhắc chốt lời với cổ phiếu đã có lãi.
Tăng nhẹ đầu phiên nhưng sau đó suy giảm
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Ở phiên ngày mai (13/3), thị trường có thể sẽ tạo ra một nhịp tăng nhẹ nhưng chừng đó là không đủ. Cả hai chỉ số sẽ quay đầu giảm điểm và đánh dấu chấm dứt cho nhịp hồi vừa qua. Nhịp giảm này là hợp lý bởi nó giúp các cổ phiếu trở nên hấp dẫn với tất cả NĐT hơn là một sự cố gắng bất lực trong việc chinh phục đỉnh cao kiểu này.
Nhưng xét trên từng cổ phiếu thì sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn bởi có một số cổ phiếu vẫn tạo ra xung lực mạnh và đã bứt tốc. Tuy nhiên có rất nhiều mã có mẫu hình khá tương đồng với chỉ số, tức là một mẫu hình đảo chiều rất rõ ràng: VND, FPT, NTL, PGS, HUT, ...
Khả năng sẽ có điều chỉnh
CTCK SAIGONBANK BERJAYA (SBBS): Trong phiên ngày 12/03, VN-Index tiếp tục tăng điểm và tiệm cận với biên trên của dãy Bollinger Band; tín hiệu này chứng tỏ VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh. Tuy nhiên xu hướng tăng của khối lượng giao dịch cùng với các chỉ số khác như MACD, RSI hay MFI vẫn cho thấy khả năng tăng tiếp trong ngắn hạn. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng lên 176,75 triệu đơn vị là một điều tốt vì nó cho thấy rằng các nhà đầu tư vẫn ở lại thị trường.
Tuy nhiên, ngưỡng tâm lý 600 đang dần xuất hiện và VN-Index sẽ gặp khó khăn khi thử thách khu vực này. Nếu VN-Index không thể vượt qua khu vực này, thị trường có thể sẽ sụt giảm mạnh và tạo mô hình 2 đỉnh trong ngắn hạn.
VN-Index có thể giảm mạnh
CTCK Maritime Bank (MSBS): Nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận ở các mã cổ phiếu midcaps, penny là điều dễ hiểu. Dòng tiền xoay chuyển vào nhóm bluechips và do đó chỉ số chính vẫn giữ được đà tăng.
Thị trường đang dần bước vào giai đoạn rủi ro khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng 600 điểm. VN-Index đã chạm đến ngưỡng đỉnh ngày 27/2/2014 và điều chỉnh là tất yếu. Trong phiên 12/03, 2 chỉ số chứng khoán sẽ điều chỉnh và giảm điểm nhẹ vào đầu phiên, không loại trừ khả năng chỉ số VN-Index có thể giảm điểm rất mạnh vào phiên 2, có lúc giảm 4 - 5 điểm về quanh ngưỡng 585 điểm và lực bán tăng cao. Nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế mua vào và nên giảm ngay tỷ lệ Margin tránh rủi ro.
Duy Hoàng tổng hợp