Các công ty chứng khoán cho rằng thị trường đã qua giai đoạn giảm sâu và sẽ chuyển tiếp đến giai đoạn giằng co, chưa có dấu hiệu bứt phá trở lại.
Không còn áp lực điều chỉnh sâu
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thị trường có dấu hiệu bình ổn trở lại khi mà tâm lý hoảng loạn, bi quan của nhà đầu tư đã chuyển dịch dần sang tích cực hơn trong phiên giao dịch ngày 04/03. Điều này được thể hiện ở việc các chỉ số vẫn lao dốc khá mạnh trong nửa đầu phiên buổi sáng và đà giảm được thu hẹp đáng kể về cuối phiên. Như vậy, diễn biến xấu về việc các chỉ số tiếp tục điều chỉnh sâu và phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn đã tạm thời dừng lại.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về khả năng hồi phục trở lại của thị trường vẫn phải chịu mức rủi ro cao do nhiều yếu tố bất lợi mới xuất hiện. Hiện tại, xu thế giao dịch của khối ngoại đã không còn lạc quan như trước , nhà đầu tư nước ngoài phiên 04/03 đã có phiên thứ hai bán ròng liên tiếp với chênh lệch bán ròng lên tới 154 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoảng thời gian từ 03/03 đến 21/03 cũng là giai đoạn các quỹ ETFs cơ cấu lại danh mục; trong quá khứ ở các đợt review ETFs trước thì thị trường thường đi vào xu thế tích lũy và tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn. Theo đó, những phiên sắp tới, FPTS thiên về khả năng thị trường sẽ chưa thể sớm khởi sắc trở lại, các chỉ số có thể tiếp diễn trạng thái giằng co - tích lũy để kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, việc lựa chọn cổ phiếu cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó đặc biệt lưu ý đến những cổ phiếu cơ bản đang có xu hướng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Dư địa kiếm lời co hẹp
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Như vậy với phiên 04/03, chỉ số VN-Index đã tiếp cận sát tới vùng hỗ trợ, điều này đã tạo ra sự hấp dẫn với dòng tiền bên ngoài. Lực cầu bắt đáy nhanh chóng đổ vào giúp cả hai chỉ số bắt đầu hồi phục trở lại. Mức giảm co hẹp lại, chốt phiên chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 3.41 điểm (0.59%) hình thành nên một cây nến xanh nhẹ. Điều đó cho phép dự đoán thị trường phiên 05/03 có khả năng sẽ duy trì được đà tăng nhẹ trên cả hai chỉ số, tuy nhiên mức biến động mạnh cũng không còn.
Khi cả hai chỉ số đã hồi phục trở lại, tâm lý nhà đầu tư không còn hoảng loạn nữa thì dư địa kiếm lời cũng đã co hẹp. Tuy nhiên, điều muốn nhấn mạnh ở đây là khoảng cách mà hai chỉ số được kéo ngược trở lại và cách xa với vùng hỗ trợ thì xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại. Những nhà đầu tư bắt đáy sẽ lại loay hoay trong việc nên bán hay giữ khi giá cổ phiếu cứ giảm từ từ.
Giằng co trong vài phiên nữa
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã hình thành nến “Falling Window” cho thấy mức kháng cự của chỉ số trong phiên giao dịch tới tại vùng 572 điểm. Tuy nhiên, cây nến “Rising window” ngày 13/2 cho thấy mức hỗ trợ tại vùng 564 điểm có thể tin cậy được.
Qua việc phân tích các mẫu hình nến, DAS cho rằng VN-Index khả năng sẽ dao động trong biên độ 564-572 điểm ở 1 đến 2 phiên tới trong điều kiện thị trường không bị ảnh hưởng mạnh bởi các thông tin vĩ mô và thế giới. VN-Index sẽ được xác định xu hướng (tăng hay giảm) rõ ràng hơn trong ngắn hạn khi chỉ số thật sự thoát khỏi biên độ trên.
Trong phiên ngày 04/03, HNX-Index đã được hỗ trợ tốt tại vùng 79 điểm và chỉ số này cũng hình thành cây nến “hammer”; điều này báo hiệu khả năng đảo chiều tăng điểm của HNX-Index trong phiên giao dịch tới.
Duy trì vị thế an toàn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Rủi ro từ thị trường thế giới bất ngờ tăng lên do những biến động chính trị tại Ukraine đang có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với sự vào cuộc của Nga. Diễn biến mới này đã khiến TTCK Mỹ và châu Âu lao dốc mạnh trong phiên 04/03. Mặc dù ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện trên đối với TTCK Việt Nam là không lớn, tuy vậy đây là một rủi ro nhà đầu tư cần thận trọng quan sát trong những ngày tới. Rủi ro bất ngờ từ bên ngoài kết hợp với khả năng thị trường đã tạo đỉnh ngắn hạn có thể khiến các chỉ số điều chỉnh sâu hơn dự kiến.
Với tín hiệu khối lượng đang dần có xu hướng sụt giảm trong ba phiên gần đây, chúng tôi lo ngại dòng tiền ngắn hạn đã đạt đỉnh. Chưa biết chắc dòng tiền này đang đứng ngoài quan sát hay sẽ rút ra khỏi thị trường trong thời gian tới nhưng đây vẫn là một tín hiệu nhà đầu tư cần theo dõi sát. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư vẫn chỉ nên duy trì một vị thế an toàn với tỷ trọng cổ phiếu thấp.
Đi ngang tích lũy
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): Có vẻ như điều được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm nhất trong giai đoạn hiện tại là có nên giảm tỷ trọng cổ phiếu để giảm rủi ro hay không. MBKE quan sát thấy trong những phiên gần đây, các nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng đòn bẩy rất cao và điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro.
Từ cái nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn bảo toàn nguyên tắc đỉnh và đáy sau cao hơn, do đó xu hướng tăng vẫn còn hợp lệ. Tuy nhiên, tín hiệu phân kỳ tiêu cực cho thấy rằng có khả năng chỉ số này bước vào một đợt điều chỉnh hoặc một đợt đi ngang tích lũy kéo dài. MBKE cho rằng các nhà đầu tư nên chờ tín hiệu chốt lời và hạn chế giao dịch cho tới khi có tín hiệu như vậy xảy ra.
Mỹ Hà tổng hợp