Theo các chuyên gia, bluechips tiếp tục đóng vai trò giữ nhịp thị trường trong phiên tới. Hai khả năng tăng mạnh và giảm sâu đều khó xảy ra trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Bluechips sẽ giữ nhịp thị trường
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Các cổ phiếu bluechips tăng giảm đan xen đóng vai trò nâng đỡ và giữ nhịp cho thị trường. Vì vậy FPTS vẫn bảo lưu quan điêm các cổ phiếu Bluechips sẽ vẫn phát huy vai trò giữ nhịp cho thị trường lúc khó khăn và những phiên điều chỉnh nếu có cũng sẽ không quá mạnh .
Tuy nhiên, nhiều khả năng sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, đặc biệt là diễn biến điều chỉnh của nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể sẽ chưa kết thúc. Trong khi đó, dòng tiền đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch sang các cổ phiếu cơ bản với kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục có sự khởi sắc trong quý 4 và cả năm 2013.
Vì vậy nhà đầu tư không nên tập trung quá nhiều vào cổ phiếu đầu cơ và nên cân nhắc tăng dần tỷ trọng nắm giữ với các cổ phiếu cơ bản đã tích lũy nhiều trong giai đoạn vừa qua.
Lực cầu khó duy trì
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Trước thông tin về việc giá khí gas sẽ tăng từ đầu tháng 12, nhiều cổ phiếu kinh doanh mặt hàng này như: PVG, GAS, PGD, CNG... hút được lực cầu mạnh. Sự tăng giá của cổ phiếu GAS đã giúp cho chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ. Tuy nhiên NĐT cần phải hiểu rõ thông tin này và DN nào được hưởng lợi để tham gia vào. Vì thế có thể ở phiên ngày mai lực cầu sẽ khó còn được duy trì ở mức cao vào nhóm này.
Tuy nhiên thì thị trường có vẻ như đang khiến NĐT e ngại, thanh khoản và diễn biễn thị trường diễn ra khá chậm. Đây là mối lo ngại lớn nhất trong giai đoạn này bởi những NĐT sử dụng đòn bẩy mạnh sẽ gặp áp lực. Sẽ khó xảy ra tình trạng bán mạnh nhưng điều đó đang khiến cho lực cầu bị mất đi và đà tăng của thị trường không còn.
Còn đối với nhóm cổ phiếu penny đang bị lực bán rất mạnh, đặc biệt là những cổ phiếu đã tăng nóng như KMR, KTT, MCG, PTL, PXL,…Thông thường thì sau một vài phiên bị áp lực bán mạnh như vậy, nhóm cổ phiếu này sẽ có một phiên được “vét” hết số lượng dư bán sàn lớn kia, có thể giá cổ phiếu còn được kéo tăng ngược trở lại. Khi đó cổ phiếu này sẽ hình thành mô hình hai đỉnh, và đây là lúc NĐT còn tồn đọng cổ phiếu nên cân nhắc thoái bớt cổ phiếu loại này nhằm giảm áp lực cho dù là có thua lỗ bởi đỉnh giá thứ hai không bao giờ quay trở lại ngang bằng với đỉnh thứ nhất.
Đi ngang trong vùng 506 - 512
CTCK VNDIRECT (VND): Thị trường vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lình xình đi ngang trong vùng cao hơn quanh 506-512. Thanh khoản trong các phiên vừa qua có xu hướng giảm nhẹ cho thấy cả cung và cầu đều đang trong trạng thái tương đối giằng co, và tâm lý thị trường có sự thận trọng nhất định.
Mặc dù cầu có dấu hiệu suy yếu ở cả nhóm pennys và bluechips, nhưng sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy dòng tiền vẫn ở lại thị trường và chưa có dấu hiệu thoát hẳn ra ngoài. Trước mắt đỉnh 513 vẫn là thách thức lớn đối với VN-Index, VND cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dùng dằng đi ngang trong vùng 506-512 và trạng thái tích cực của thị trường chỉ thực sự khẳng định khi VN-Index bứt hẳn lên vùng 512 (đỉnh tháng 8) đi kèm với thanh khoản trên 100 triệu đơn vị.
Trong giai đoạn thị trường đi ngang, trạng thái phân hóa sẽ tiếp tục, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ trạng thái cổ phiếu hiện có. Tuy nhiên khi thị trường chưa rõ ràng xu hướng, tỷ lệ cổ phiếu không nên ở mức quá cao. Những mã đã đi ngang trong 1 tuần qua đang có đà tăng mạnh hơn so với thị trường chung, do đó có thể cân nhắc nhóm này cho danh mục mua mới, tuy nhiên nên hạn chế phân bổ trong những phiên tăng nóng.
HNX-Index vào vùng quá bán
CTCK Ngân hàng MB (MBS): Thị trường phiên 02/12 đi ngang khi VN-Index tăng nhẹ còn HN-Index giảm điểm nhẹ; thanh khoản ở mức trung bình. Trong khi VN-Index đang gặp phải lực cản mạnh tại vùng 510 thì HN-Index vẫn nằm trong đường tăng kể từ cuối tháng 9.
Tuy nhiên, MBS cho rằng chỉ số sẽ khó tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nếu không có thêm thông tin hỗ trợ mạnh. Ngoài ra, chỉ báo RSI đang đang cho tín hiệu HN-Index đã vào vùng quá bán.
Phương Châu