Gỗ lậu hay nói đúng hơn là gỗ không có nguồn gốc, thời gian qua đã làm dậy sóng mấy huyện của tỉnh Gia Lai. Vậy nhưng, ngoài việc để mất rừng, việc bàn giao gỗ vi phạm ở đây vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói.
Bàn giao gỗ “lậu” bằng miệng
Thời gian gần đây, dư luận bàn tán về chuyện cán bộ Kiểm lâm của hai huyện Ia Pa và Kong Chro của tỉnh Gia Lai bàn giao gỗ không rõ nguồn gốc... bằng miệng. Khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo hai Hạt này thì mỗi bên 1 ý để bảo vệ quan điểm của nhau.
Theo ông Trần Hùng Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kong Chro, vào ngày 6/5/2019 sau khi ông Hoàng Văn Quế và Nguyễn Văn Đang, đều là cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa đi kiểm tra thì phát hiện tại khu vực xã Pờ Tó (Ia Pa) có một số gỗ được tập kết không có nguồn gốc.
Nhận thấy đây là khu vực ngoài địa bàn nên ông Quế đã gọi điện thoại về báo cáo, đồng thời giao lại hiện trường cho hai cán bộ kiểm lâm của Hạt Ia Pa bằng miệng, không có giấy tờ. Ông Trần Hùng Anh nhấn mạnh “Việc giao nhận bằng miệng không sai quy định”.
PV Báo Công lý và 1 số cơ quan thông tấn làm việc với ông Hà Quang Tuyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa
Ông Hoàng Văn Quế và ông Nguyễn Văn Đang là những người phát hiện gỗ cho biết: “Tại hiện trường, phát hiện một chiếc xe tải màu trắng loại 8 tấn. Trên thùng xe có 2 lóng gỗ tròn Cà Chít, đường kính từ 18-25cm, chiều dài 3-5m. Phía dưới đất bên cạnh chiếc xe có khoảng 10 lóng như vậy nữa. Một số đối tượng đã hăm dọa vì cho rằng đây là địa bàn của huyện Ia Pa. Sau khi báo cáo sự vụ về lãnh đạo hạt, khoảng 30 phút sau có 2 kiểm lâm viên tên Sơn và Tình của Kiểm lâm huyện Ia Pa đến nên chúng tôi đã nói chuyện và bàn giao hiện trường vụ việc lại cho cán bộ này. Sự giao nhận là trực tiếp và bằng lời nói”.
Đáp lại sự việc này, bên phía ông Hà Quang Tuyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa cho biết, có việc bàn giao gỗ bằng miệng, nhưng chiếc xe tải mà bên huyện Kong Chro cho rằng 8 tấn thì bên này xác nhận là loại 3,5 tấn. Trên xe không có gỗ nên không thể xử lý xe cũng như ghi phương tiện này vào biên bản của Hạt. Số gỗ cũng được Hạt này xác nhận là 16 lóng với 2,6m3.
Như vậy, việc giao nhận hiện trường “trực tiếp” khi phát hiện ra gỗ là có diễn ra. Vậy nhưng, tại thời điểm bàn giao, một bên cho rằng có gỗ trên xe, còn một bên lại không có gỗ. Từ đó, bên xác nhận không có gỗ đã không đưa phương tiện là chiếc xe tại hiện trường vào biên bản do chính mình lập.
Xuất hiện một văn bản lạ
Trong quá trình đi hiểu thông tin, có một văn bản “lạ” khi đề nghị một tờ báo gỡ bỏ 1 bài viết liên quan đến vấn đề bàn giao gỗ tang vật bằng miệng. Theo văn bản này thì báo VTC News đã đăng tải thông tin không chính xác, cùng với đó là tác giả tác nghiệp không đúng quy định pháp luật.
Người đứng đơn ký là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa ông Hà Quang Tuyến. Một điều đáng ngạc nhiên là văn bản dù ghi kính gửi đến rất nhiều ban ngành lớn như Bộ TTTT; Thanh tra Bộ TTTT; Hội Nhà báo; Cục Báo chí… nhưng lại không được đóng dấu của Hạt Kiểm lâm Ia Pa; không có số văn bản... Trong lúc, 4 trang giấy đều có ký nháy và nói rất rõ về chức vụ, kèm theo số điện thoại cá nhân của vị Hạt trưởng.
Vậy nhưng, chiều ngày 23/9, PV Báo Công lý và một số báo khác đã làm việc với ông Hà Quang Tuyến để rõ hơn về văn bản “lạ” này. Ông Tuyến cho biết, bản thân ông không ký bất kỳ văn bản nào phản hồi báo chí. Khi được PV Báo VTC News cho xem văn bản có chữ ký “sống” với họ tên, chức vụ của ông phía dưới, vị này tá hỏa và tỏ ra bất ngờ về sự vụ.
Khi được hỏi về việc ông không ký văn bản, ắt hẳn có người khác đã giả mạo ông để làm việc này. Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự ông cũng như cơ quan báo chí được nêu trong đơn. Vậy ông có biết, người ký văn bản giả mạo này và ông có muốn cơ quan chức năng làm rõ? Trước câu hỏ này, Hạt trưởng Tuyến cho biết bản thân ông muốn làm theo quy định. Ngoài ra, PV của Báo VTC News tên T.H. được nêu tên cũng cho biết, sẽ báo cáo sự việc lên Ban Biên tập đề nghị làm rõ sự vụ, làm rõ động cơ, mục đích của người đứng đơn “ký hộ” Hạt trưởng này.
Như vậy, việc bàn giao gỗ không rõ nguồn gốc bằng miệng giữa cán bộ Kiểm lâm hai huyện đang có sự khập khiễng. Điều này dẫn tới, chiếc xe ô tô tải tại hiện trường đã “không cánh mà bay”. Ngoài ra, việc xuất hiện văn bản “lạ” cũng cần phải được xác minh, điều tra để truy lùng ai đang là người mạo danh Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Pa khi bản thân ông Hạt trưởng khẳng định mình không ký gửi.
Những “góc khuất” này cần phải được làm rõ để ngăn chặn tình trạng phá rừng nghiêm trọng trong thời gian vừa qua ở khu vực hai huyện này.