Gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu rau quả để tiến xa hơn

Trang Nhi| 08/07/2022 11:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh chế biến tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn thì hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng cũng là một giải pháp

Tại thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nông lâm thủy sản đi 180 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự kiến năm 2022 đạt 55 tỷ USD. Việt Nam đang có khoảng 7.500 doanh nghiệp đang chế biến nông sản, giá trị nông sản chế biến sau thu hoạch được 35%. Như vậy, còn 65% chưa có chế biến gì và bán tươi, bán thô. Đấy cũng là con số rất lớn ở Việt Nam.

Chế biến là chìa khóa để tăng giá trị nông sản. Song đây lại là "nút thắt" cần sớm được tháo gỡ để xuất khẩu tiến xa hơn.

xuat-khau-rau-qua-1.jpg
Ảnh minh họa.

Đánh giá về những ‘nút thắt’ về chế biến, bảo quản sản phẩm, ông Ngô Quang Tú - đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra (nguyên liệu mới đáp ứng 50-60% công suất chế biến). Nguyên nhân là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2-3 tháng/năm); chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng...).

Một nguyên nhân khác được ông Ngô Quang Tú đề cập đó chính là nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng). Các doanh nghiệp này không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...) dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%...

Trong khi đó, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng; nguồn lực triển khai chính sách hạn chế; lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hạ tầng chế biến tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn thì hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng cũng là một giải pháp. Và điều quan trọng nhất đó là giảm áp lực tiêu thụ trái tươi.

xuat-khau-rau-qua-2.jpg
Ảnh minh họa.

Có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Như Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng có công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa thị trường, thời gian tiêu thụ cho một số sản phẩm như mít, xoài ở dạng sấy dẻo. Điểm đáng lưu ý nhất, đó là công nghệ sấy được chở bằng container, và có thể lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được nhiều vùng sâu, vùng xa. Hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó. 

Tuy nhiên, hiện người tiêu dùng thế giới ngày càng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm rau quả chế biến. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến sâu để khỏa lấp khoảng trống hàng tỷ USD này.

Trước thực trạng trên, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - cho rằng, hiện năng lực chế biến rau quả mới đạt trên 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng để nâng lên gấp đôi trong những năm tới cần đầu tư vào công nghệ phù hợp. Theo đó, cần xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng...

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ, ông Ngô Quang Tú kiến nghị, cần phải tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu rau quả để tiến xa hơn