Giao thông

Giấy phép lái xe được luật hóa: Thêm cơ chế theo dõi dài hạn hành vi lái xe

Vũ Đậu 24/07/2025 - 10:13

Không còn dừng lại ở những biện pháp xử phạt tức thời, việc luật hóa giấy phép lái xe và bổ sung cơ chế trừ điểm đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong tư duy quản lý giao thông tại Việt Nam: Từ xử lý vi phạm tức thời sang giám sát hành vi dài hạn, liên tục; kỳ vọng sẽ giúp thay đổi hành vi của người lái xe theo hướng bền vững.

Vi phạm sẽ bị theo dõi lâu dài

Từ ngày 1/1/2025, quy định mới về trừ điểm và phục hồi điểm trên Giấy phép lái xe (GPLX) chính thức có hiệu lực. Theo đó, mỗi GPLX sẽ có mặc định 12 điểm/năm. Khi người lái xe vi phạm luật giao thông thuộc nhóm hành vi quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, số điểm sẽ bị trừ tương ứng theo từng lỗi.

gplx-duoc-luat-hoa-1.png
Lần đầu tiên, điểm số GPLX được đưa vào quản lý như một “thước đo” quá trình chấp hành luật giao thông của người lái xe. Ảnh minh họa

Nếu trong vòng 12 tháng liên tục kể từ lần trừ điểm gần nhất mà người lái xe không bị vi phạm thêm, hệ thống sẽ tự động phục hồi lại đủ 12 điểm. Tuy nhiên, nếu bị trừ hết 12 điểm trong một năm, GPLX đó sẽ không còn giá trị sử dụng. Để được khôi phục quyền lái xe, người vi phạm bắt buộc phải tham gia kiểm tra lại kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an.

Khác với trước đây khi người vi phạm chủ yếu bị phạt tiền hoặc tước GPLX trong thời gian ngắn, hệ thống trừ điểm là một cơ chế giám sát hành vi dài hạn và có tính hệ thống hơn. Mỗi lỗi vi phạm không chỉ bị xử lý tức thời, mà còn được ghi nhận, cộng dồn theo thời gian. Điều này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở để đánh giá mức độ tuân thủ luật giao thông của từng cá nhân, đồng thời tạo ra sức ép để người điều khiển phương tiện tự điều chỉnh hành vi nếu không muốn bị mất bằng lái.

Trên thế giới, hệ thống trừ điểm GPLX không còn xa lạ. Nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng từ lâu và thu được hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Tại Australia, mỗi GPLX có 12 điểm trong vòng 3 năm. Các lỗi vi phạm sẽ bị trừ điểm dần, trong đó, hành vi như lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn có thể khiến tài xế bị tước bằng ngay lập tức.

Ở Anh, người mới được cấp GPLX (giấy phép tạm thời) chỉ có 6 điểm trong 2 năm đầu. Nếu bị trừ hết điểm trong khoảng thời gian này, tài xế sẽ bị thu hồi giấy phép, đồng thời phải đăng ký học và thi lại từ đầu với chi phí có thể lên tới hơn 1.000 bảng mỗi lần.

Tại Italy, mỗi GPLX có 20 điểm. Khi vi phạm, người điều khiển phương tiện có thể bị trừ từ 1 đến 10 điểm, tùy theo mức độ. Nếu bị mất toàn bộ điểm, người lái xe phải thi lại bằng lái. Một số lỗi nghiêm trọng như vượt quá tốc độ trên 40km/h, đi vào làn khẩn cấp hoặc uống rượu bia khi lái xe có thể khiến tài xế bị thu hồi GPLX ngay lập tức.

Ở khu vực châu Á, các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines cũng đều đã áp dụng hệ thống trừ điểm, kết hợp cùng các hình thức bổ sung như cảnh báo sớm, đào tạo phục hồi hành vi hoặc khen thưởng người không vi phạm - nhằm tạo dựng một hệ thống giao thông bền vững, văn minh.

Hướng tới nền giao thông văn minh, trách nhiệm

Mặc dù được đánh giá là bước đi cần thiết và hợp lý, việc đưa cơ chế trừ điểm GPLX vào thực tiễn tại Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức.

gplx-duoc-luat-hoa-2.png
Với nhiều mức phạt và hình thức trừ điểm cụ thể cho từng lỗi, quy định này hứa hẹn tạo ra sự răn đe hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn và vi phạm trên đường bộ. Ảnh minh họa

Thứ nhất, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GPLX hiện vẫn chưa hoàn thiện. Để việc trừ điểm diễn ra chính xác và minh bạch, toàn bộ dữ liệu về GPLX, vi phạm, lịch sử xử lý phải được số hóa và đồng bộ giữa các địa phương, các cơ quan quản lý. Đây là điều kiện tiên quyết, nhưng cũng là điểm nghẽn lớn nếu không được đầu tư đúng mức.

Thứ hai, hệ thống công nghệ hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là khả năng phát hiện, xử phạt vi phạm thông qua camera giám sát giao thông thông minh. Phần lớn các hành vi vi phạm hiện nay vẫn phụ thuộc vào việc xử lý thủ công của lực lượng chức năng, dễ dẫn đến bỏ sót vi phạm.

Thứ ba, tâm lý của một bộ phận người dân chưa sẵn sàng. Nhiều tài xế vẫn còn nhầm lẫn giữa trừ điểm và tước bằng tạm thời. Việc thiếu thông tin đầy đủ khiến họ lo ngại vì sợ mất quyền lái xe một cách đột ngột. Trong khi đó, một bộ phận lại xem nhẹ quy định do chưa thấy rõ tính răn đe. Tất cả đều cho thấy cần một chiến dịch truyền thông - phổ biến pháp luật sâu rộng hơn nữa để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

So với các nước tiên tiến, cơ chế mới tại Việt Nam đi theo hướng khá tương đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, việc triển khai cần đi kèm với hạ tầng công nghệ hiện đại, hệ thống dữ liệu liên thông và nhận thức xã hội đầy đủ.

Dù còn không ít thách thức, song việc luật hóa GPLX và bổ sung cơ chế trừ điểm được đánh giá là bước tiến lớn trong quản lý hành vi giao thông trong bối cảnh hiện nay. Để chính sách thực sự hiệu quả, cần đồng thời triển khai các nhóm giải pháp: Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, hoàn thiện dữ liệu số về GPLX, vi phạm, xử phạt cũng như tăng cường truyền thông - giáo dục pháp luật đến người dân, doanh nghiệp vận tải và cộng đồng. Khuyến khích cơ chế phục hồi điểm thông qua đào tạo lại hoặc không vi phạm trong thời gian dài, để tạo sự công bằng và có cơ hội cải thiện hành vi.

Việc mỗi tài xế biết rằng mọi vi phạm đều để lại “dấu vết” trên hệ thống, và ngược lại, nếu tuân thủ tốt sẽ không bị ảnh hưởng đến quyền điều khiển phương tiện - sẽ là động lực để hành vi giao thông thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Chính sách đúng, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực thi nghiêm túc, sẽ không chỉ răn đe mà còn giáo dục, nâng cao trách nhiệm công dân khi cầm lái. Đó cũng là nền tảng để xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, hiện đại và trách nhiệm - điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấy phép lái xe được luật hóa: Thêm cơ chế theo dõi dài hạn hành vi lái xe