Mới đây, trên một số trang đưa thông tin đại chúng xuất hiện thông tin về vụ việc một thầy giáo có hành vi nhắn tin quấy rối một nữ sinh trong thời gian học tập tại nhà trường. Vậy giáo viên có hành vi quấy rối học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với Báo Công lý, Công ty Luật TNHH TVTN DFC có quan điểm như sau:
Hành vi quấy rối có thể được hiểu là một hành động mang tính cố ý nhằm thỏa mãn mục đích trái đạo đức, trái pháp luật cho đối tượng thực hiện hành vi nhưng lại gây cảm giác trái ý muốn cho đối tượng chịu ảnh hưởng. Việc giáo viên quấy rối học sinh bằng bất kỳ hình thức và nhằm bất kỳ mục đích trái pháp luật, trái đạo đức nào cũng có thể mang lại cảm giác tiêu cực cho học sinh. Đây là một hành vi xấu và đáng bị lên án, cần thiết phải xử lý bằng các hình thức phù hợp theo quy định.
Học sinh bị giáo viên quấy rối cần làm gì?
Khi một giáo viên có hành động tiếp xúc với học sinh mang tính vượt trên mức tình cảm thầy trò bình thường đến mức được coi là hành vi quấy rối như đã nêu ở trên với nhiều hình thức khác nhau như qua tin nhắn, quá trình trực tiếp nói chuyện ... Tuy nhiên, với việc nhận thức của nhiều học sinh chưa đầy đủ, thường mang tâm lý e sợ khi nhắc lại chuyện này hoặc bị đe dọa dẫn đến việc tường thuật vụ việc trở lên khó khăn.
Khi học sinh bị giáo viên quấy rối thì có thể xem xét và áp dụng một hoặc một số phương thức giải quyết như sau:
Học sinh tiến hành thủ tục khiếu nại bằng cách lập tức liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của mình hoặc Ban Giám hiệu nhà trường. Người tiếp nhận được khiếu nại phải báo cáo khiếu nại đó theo đúng quy định hành chính. Người có thẩm quyền giải quyết khi đã xác nhận rằng hiện tượng quấy rối đã xảy ra thì cần phải lập tức thực hiện hành động thích hợp để chấm dứt hiện tượng quấy rối và giải quyết những ảnh hưởng của nó đối với nạn nhân.
Trường hợp học sinh nhận thấy vụ việc khó có thể trao đổi và đưa ra phương án giải quyết với Nhà trường thì có thể lựa chọn cách thức trao đổi với bậc phụ huynh của mình. Theo đó, bậc phụ huynh sau khi đã có đủ cơ sở xác định con của mình đang bị quấy rối bởi giáo viên có thể đưa vụ việc thông báo lại cho Nhà trường để đưa hướng xử lý phù hợp.
Hành vi quấy rối học sinh sẽ xử lý về mặt pháp luật như thế nào?
Trường hợp giáo viên có hành vi quấy rối học sinh bên cạnh áp dụng các hình thức xử lý kiểm điểm trong ngành, bị xư lý kỉ luật nếu là Đảng viên thì còn có thể xử lý về mặt pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:
Về xử lý vi phạm hành chính: Nếu giáo viên có hành vi quấy rối (bằng lời nói hoặc hành động) mang tính xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, (1) áp dụng Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng hoặc (2) áp dụng điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, việc: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trường hợp nếu hành vi quấy rối của giáo viên mang đủ các yếu tố cầu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì sẽ có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội làm nhục người khác với khung hình phạt dành cho người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...