Sau khi Bộ GD-ĐT thông tin về kỳ thi THPT, nhiều lo lắng đặt ra như giao về địa phương liệu có đảm bảo an toàn, khách quan không?...
Theo như chia sẻ của PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân với báo chí, phương án thi tốt nghiệp THPT gắn trách nhiệm cho UBND tỉnh là điều nên làm. “Tôi tin sẽ có một kỳ thi công bằng, minh bạch và không có sai phạm. Bộ GD-ĐT cần công bố sớm phương án cụ thể để phụ huynh, thí sinh, giáo viên hiểu rõ, yên tâm về kỳ thi”, ông Triệu nói.
Ảnh minh họa.
Được biết, dự kiến hôm nay, Đại học Kinh tế quốc dân sẽ họp Hội đồng tuyển sinh để có những hướng điều chỉnh phương án xét tuyển trong năm 2020 phù hợp. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra như phương án của Bộ GD-ĐT thì trường sẽ không tổ chức thi riêng, giữ ổn định như các năm trước, thí sinh hoàn toàn yên tâm.
PGS Triệu cũng nói thêm, trong phương án đâu có nói đến việc cấm các trường đại học xét tuyển bằng kết quả này đâu mà thí sinh vội lo lắng. Vì vậy, thí sinh hoàn toàn yên tâm trước phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Việc của các em là ôn thi thật tốt và đặt mục tiêu vào các trường đại học như mong muốn.
Theo PGS Triệu, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Vì kết quả điểm thi của thí sinh cùng chung một mặt bằng, chung đề, do Bộ GD-ĐT chấm thi, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và công bằng.
Chỉ khi nào không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch covid-1-19 hoặc mỗi tỉnh một đề khác nhau thì các trường đại học mới tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên,việc tổ chức một kỳ thi riêng không phải chuyện đơn giản nói là làm được ngay, cần rất nhiều sự chuẩn bị.
Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức Kỳ thi THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói: “Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương phải gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi”
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.
Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019 sẽ đảm bảo quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.
Đặc biệt, năm nay, các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD-ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.
Cuối cùng, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.