Gian nan sự học vùng biên

Thanh Phương| 17/12/2021 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trời về chiều ở vùng phên dậu xứ Thanh nhanh tối và lạnh hơn so với các nơi khác. Chính vì thế mà quãng đường của các em học sinh đến trường như dài, vất vả thêm. Hôm nào trời mưa thì con đường đất lầy lội như muốn giữ chặt chiếc xe đạp cà tàng khiến các em còng lưng để lấy sức mà đạp.

Tuấn Anh năm nay vào lớp 2 nhưng em mới được chừng 13 kg. Cũng như hơn 600 học sinh đang học tại trường Tiểu học Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa), Anh đi học bằng xe đạp. Ở xã vùng biên giới này (giáp bản Houay Lin, nước bạn Lào) đều là dân tộc Thái, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Người dân thu nhập từ trồng rừng, nương, rẫy và chăn nuôi nhỏ. Tuy nhiên do khí hậu khắc nghiệt, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế nên nguồn thu chẳng có là bao. Gia đình nào có điều kiện thì tích cóp mua lấy cái xe máy cho bố mẹ đi làm, 1 cái xe đạp cũ cho các con tự đi học. Còn lại thì để đến trường, các em ở đây đều phải đi bộ vài km đường đồi núi.

a1yt.jpg
hòng học tranh tre tạm bợ ở trường Tiểu học Yên Thắng

Nhà Anh cách trường 7 km, buổi sáng em phải dậy lúc 6h để vệ sinh cá nhân, ăn sáng bằng khoai, sắn. Hôm nào sang thì cơm nguội hoặc gói mỳ tôm. Từ khi 3- 4 tuổi trẻ em khu vực này đã đi xe đạp nhoay nhoáy. Cứ ngã rúi rụi rồi lại phủi đít đứng dậy tập đạp xe. Đầu gối bầm dập nhưng dường như chúng biết đây là phương tiện duy nhất để giúp mình tới trường gặp thầy cô, bạn bè theo đuổi tri thức. Như thường lệ, bố mẹ Anh lên đồi từ sáng tinh mơ. Hành trang tới trường là chiếc cặp sách đứt quai, mấy cuốn sách vỡ, bộ quần áo xộc xệch, chiếc cổ đã sạm đen và sờn. Trong chiếc cặp ấy còn 1 củ khoai và 2 củ sắn luộc.

Vội vội vàng vàng, khoách chiếc cặp cậu chạy như bay ra chiếc xe đạp để kịp giờ vào lớp học. Năm sau, gia đình Anh sẽ có thêm 1 đứa em. Cậu không biết hôm nay trời trở lạnh nên chỉ có 1 chiếc áo phong phanh. Lớp học của Anh vẫn là dãy nhà tranh tre, được dựng tạm bợ trống trước, hở sau. Chính vì thế mà gió lùa vào chẳng khác gì ngoài trời. Trong lớp học và cả sân trường vẫn đang còn nền đất nên những đôi dép sứt đầu cứ như run lên cầm cập. Hôm nào trời mưa thâm thì cả cô và trò vừa học vừa lo chống cái lạnh cứ táp vào mặt.

a2yt.jpg
Cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc dạy và học

Các bạn ở khu vực lớp 1 và 3, 4, 5 thì học ở dãy nhà 2 tầng. Thế nhưng cửa chính và cửa sổ cũng đã bong hoặc trống toang hoác. Khu nhà này đã được xây dựng từ lâu nên xuống cấp, nhiều khi đang học, trần nhà rơi từng mảng xuống phía dưới.

a3yt.jpg
Tuấn Anh (bên phải) chia sẻ câu chuyện tới trường của mình

Thầy Vi Văn Quyết, người đã gắn bó với trường 15 năm tâm sự: Các em học sinh ở đây rất quyết tâm đến trường, ham học dù cái bụng chưa no, áo chưa ấm và cung đường rất gian nan, vất vả. Mỗi khi vào mùa mưa, điểm trường ở bản Vịn hoặc bản Cơn bị chia cắt bởi các con suối. Đường đất nên gặp mưa thì lầy lội, muốn di chuyển bằng xe đạp hay xe máy cũng khó. Vì thế các thầy, cô phải quốc bộ hàng km. Mình là người lớn còn thấy mệt huống chi các em mới 6-7 tuổi đầu. Vậy mà trừ trường hợp bất khả kháng, hầu hết các em đều cố gắng đến lớp đúng giờ. Có khi gặp trời mưa, lúc tới được lớp có em đã ướt nhẹm từ đầu tới chân, chúng tôi phải lấy áo mang đi ra cho các em lau người kẻo ốm. Điều đó cho thấy nghị lực của các học sinh vùng biên này rất lớn. Phải có sự ham học mới dám băng rừng, lội suối mấy km để đến trường. Cái căn cơ nhất là các cấp phải giúp cho người dân nơi đây thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế. Đời sống người dân được nâng lên, cái đói, cái nghèo được xóa bỏ thì các em mới có chỗ dựa, có nguồn lực để theo đuổi tri thức.

a4yt.jpg
Nhiều khi trời mưa, các em phải vượt suối để tới trường

Trao đổi với PV, thầy Phạm Văn Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Thắng cho biết: “Đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn nên các em học sinh thiếu thốn đủ thứ khi đến trường. Do địa bàn miền núi địa bàn rộng, đi lại vất vả nên hiện nay vẫn còn 6 khu lẻ, khu chính nằm ở bản Ngàm Pốc với tổng số 615 học sinh người dân tộc Thái. Vào mùa mưa hoặc trời mùa đông lạnh giá, các em đi học đều gặp trở ngại rất lớn. Vậy mà mấy năm trở lại đây, không có học sinh nào bỏ học giữa chừng, ai cũng cố gắng học hành bằng bạn, bằng bè, lên lớp. Đầu tư cho cơ sở vật chất xây dựng trường, lớp, thiết bị dạy và học, bếp ăn bán trú, nhà công vụ, khu vực vệ sinh… phải rất lớn. Trong khi đó, địa bàn chia cắt, nhiều khu lẻ nguồn lực đầu tư của cấp trên có hạn. Đa phần người dân nơi đây là hộ nghèo, cận nghèo nên việc kêu gọi xã hội hóa tại chỗ là không khả thi.

a5yt.jpg
Đường lầy lội, các thầy cô phải cuốc bộ vào điểm trường bản Vịn

Các anh thấy khu chính Ngàm Pốc các phòng học xây dựng từ năm 2000 đã xuống cấp nặng, hệ thống điện hư hỏng, chập thường xuyên rất dễ xảy ra sự cố khi thầy và trò đang học. Thêm vào đó, nhà vệ sinh tềnh toàng, sân đang còn nền đất, toàn bộ chưa có hệ thống tường rào bao quanh. Ở các khu Vần, Vặn, Tráng, Cơn, Vịn các lớp học, nhà công vụ đã quá xập xệ, xuống cấp, không có nhà vệ sinh cho các cháu cần xây dựng sớm. Thêm vào đó, nhà nước cần xem xét đầu tư các tuyến đường ra trung tâm để thầy, cô và học sinh tới trường đỡ vất vả hơn, nhất là mùa mưa”.

a6yt.jpg
Nhà vệ sinh chờ sập ở khu chính Ngàm Pốc

Bạn đọc có nhu cầu hỗ trợ nhà trường cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất hoặc mua đồ dùng học tập, quần áo cho các cháu học sinh có thể liên hệ thầy Thành Hiệu trường trường Tiểu học Yên Thắng (ĐT 0978053298) hoặc qua VP Báo Công lý tại Thanh Hóa (ĐT 0367459999 để được hỗ trợ).


Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan sự học vùng biên