Một câu chuyện hy hữu xảy ra tại quận trung tâm Hà Nội, nhiều hộ dân đã liên tục gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền, sở ngành ở thủ đô và Trung ương, đề nghị điều chỉnh đường từ cong thành thẳng, tuyến Vạn Phúc - Núi Trúc- Sơn Tây.
Hơn 6 năm qua, hàng chục hộ dân ở tổ 9C Đội Cấn đã nhiều lần gửi đơn đến các sở, ban, ngành và UBND thành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh quy hoạch đường bị cong lệch thành thẳng tại tuyến Vạn Phúc-Núi Trúc-Sơn Tây, quận Ba Đình. Theo ý kiến người dân và các chuyên gia quy hoạch, nếu điều chỉnh đường lệch thành đường thẳng sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông. Bởi lẽ, đường lệch một bên, tầm quan sát sẽ khó hơn so với đường thẳng, sẽ tránh hình thành điểm đen tai nạn, giúp tiết kiệm ngân sách gần 100 tỷ đồng, người dân sẽ không bị ảnh hưởng, không phải chuyển đến nơi ở mới.
Năm 1997, do vướng khu nhà ở chuyên gia Thụy Điển, nên quy hoạch đến nút giao Vạn Phúc - Núi Trúc - Sơn Tây thì quy hoạch đường bị lệch một bên. Năm 2014, Đại sứ quán Thụy Điển đã trả lại khu nhà đất đó và UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định giao lâu dài khu nhà đất 4.393m2 này cho Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch để các đơn vị của Bộ này làm trụ sở làm việc.
Trước vì lý do ngoại giao với Thụy Điển, đất nước có nhiều tình cảm đặc biệt với nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nên người dân bị mất nhà đất tại đây không có ý kiến gì. Nhưng khi biết thông tin trên, từ năm 2016, người dân ở đây đã nhiều lần gửi đơn tới các ban, ngành và thành phố “đề nghị điều chỉnh quy hoạch cũ, đường bị cong lệch bên thành đường thẳng, đoạn 140m”. Theo phương án này, sẽ tránh không phải lấy hết đất của 26 hộ dân phía bắc, hầu hết đã được cấp sổ đỏ. Thành phố làm đường chỉ lấy vào 411 m2 đất công của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, đơn vị này vẫn còn lại diện tích 3.982m2 và chỉ phải lấy thêm gần 50 m2 đất của hai hộ phía nam đường, có nguồn gốc đất nông nghiệp, hai hộ này vẫn còn lại 298 m2 đất.
Tại văn bản số 8045 ngày 27/12/2018 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội (gọi tắt là Sở QHKT) báo cáo: “việc điều chỉnh sẽ giảm 710m2 đất và không phải xây 17 nhà tái định cư, có 81% ý kiến ủng hộ”. Việc điều chỉnh đã nhận được sự ủng hộ của Thường vụ Quận ủy Ba Đình, cơ quan này đã gửi văn bản tới Thành ủy và UBND thành phố; sự ủng hộ của UBND phường Kim Mã và nhiều Bộ ngành liên quan.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (nguyên giám đốc Sở QHKT và chính là người đã ký, trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch cũ) cho rằng: “đề xuất của nhân dân tổ 9C Đội Cấn là có căn cứ. Đường giao thông nên vẽ thẳng, sẽ giảm bớt chi phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hơn về an toàn giao thông”. Theo ý kiến ông Nghiêm: Năm 1997, do vướng khu nhà ở chuyên gia nên quy hoạch đường đến đoạn này phải điều chỉnh lệch bên, tốn thêm hàng trăm m2 đất. Đường lệch bên sẽ khiến tầm quan sát của người tham gia giao thông khó khăn hơn so với quan sát đường thẳng, vì thế điều chỉnh sẽ tiết kiệm ngân sách và đảm bảo an toàn hơn. Tôi ủng hộ điều chỉnh lại quy hoạch.
Nhiều năm qua, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng Sở QHKT vẫn không thực hiện, cố tình kéo dài thời gian báo cáo, làm chậm kết quả trả lời kiến nghị, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân sống cạnh khu vực cống thối, bị ô nhiễm nặng. Đơn cử, ngày 6/2/2018, UBND thành phố có văn bản số 1017 “giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với các sở ban ngành tiếp, làm việc với công dân để làm rõ nội dung, báo cáo thành phố”. Tuy nhiên, từ ngày 6/8/2018 đến tận cuối tháng 10 năm 2021, Sở này không thực hiện việc trên. Ngày 27/9/2019, UBND thành phố có văn bản số 81 kết luận “Sở QHKT chưa chủ trì với các sở ngành tiếp, làm việc với công dân là không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố”.
Cũng tại Kết luận số 81 nói trên, UBND thành phố yêu cầu: “Sở QHKT nghiêm túc rút kinh nghiệm về các sai phạm nêu trên…; Giao nhiệm vụ cho Sở QHKT trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an toàn giao thông…, xem xét kiến nghị của 26 hộ dân về việc điều chỉnh chỉ giới quy hoạch tuyến đường; cần thiết xin ý kiến của Bộ Xây dựng và các bộ ngành để có phương án tốt nhất; báo cáo thành phố”. Nhiệm vụ thành phố giao rất rõ ràng, tuy nhiên Sở QHKT ngày 20/3/2020 gửi văn bản số 1261 và ngày 19/10/2020 gửi văn bản số 5077 lại thể hiện không thực hiện đúng nhiệm vụ nêu trên, không báo cáo rõ phương án nào. Đó là tiết kiệm ngân sách bao nhiêu tỷ đồng, ưu việt hơn về đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông, được đa số nhân dân và dư luận xã hội ủng hộ.
Ngày 23/10/2020, UBND thành phố có văn bản số 9254 chỉ đạo giao Sở QHKT chủ trì, căn cứ các quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND thành phố trước đây, so sánh phương án quy hoạch cũ và phương án điều chỉnh. Làm sao đảm bảo an toàn giao thông, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, đúng quy định pháp luật; đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/11/2020. Chỉ đạo trên đã nói rất rõ khi so sánh giữa 2 phương án để chọn ra phương án tốt nhất thì phải căn cứ vào các tiêu chí: “đảm bảo hơn an toàn giao thông, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân”. Tuy nhiên, từ đó đến nay Sở QHKT vẫn không có văn bản nào so sánh giữa các phương án.
Luật thực hành tiết kiệm quy định phải triệt để tiết kiệm ngân sách, nhất là khi mở đường tại đô thị. Lẽ ra với các số liệu nêu trên thì Sở QHKT phải đề xuất điều chỉnh. Nhưng, trong cuộc họp tại UBND thành phố ngày 18/1/2021, Sở QHKT lại báo cáo với lãnh đạo thành phố là phương án án điều chỉnh không tiết kiệm ngân sách hơn, không đảm bảo an toàn giao thông hơn. Vì thế, Thông báo số 29 ngày 27/1/2021, UBND thành phố kết luận tuyến Vạn Phúc-Núi Trúc-Sơn Tây giữ nguyên quy hoạch cũ. Điều đó khiến nhân dân và dư luận bức xúc, hàng chục hộ dân tại đây bị mất nhà, mất đất lại tiếp tục khiếu kiện phức tạp, kéo dài.