Thời điểm gầnTết Nguyên đán hàng năm luôn là thời điểm nhạy cảm, cao điểm của nạn buôn lậu pháo.
Thu giữ 2000 kg pháo lậu trong hơn 2 tuần
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, trên địa bàn một số tỉnh miền Bắc, liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép số lượng lớn, thu giữ hàng nghìn kg pháo nổ là tang vật.
Ngày 12/1, Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vừa phát hiện và thu giữ hơn 300kg pháo các loại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đang trên đường về Việt Nam tiêu thụ.
Qua điều tra, Công an huyện Nam Sách đã bắt quả tang đối tượng Đào Thị Đông (SN 1974), trú tại thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương đang vận chuyển 1 thùng 21kg pháo trứng tại đường vào thôn Quan Đình.
Công an huyện Nam Sách đang tiến hành thu giữ pháo lậu
Sau quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra đã thực hiện khám xét khẩn cấp nơi ở của Đông và phát hiện thêm 282kg pháo các loại do Trung Quốc sản xuất. Đây là vụ buôn bán tàng trữ pháo số lượng lớn nhất ở Hải Dương trong 5 năm qua.
Ngày 13/1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) phối hợp với Công an huyện Văn Lãng cũng vừa bắt giữ 39kg pháo nổ nhập lậu. Số pháo này được giấu trên xe ô tô BKS 12C – 02425, do đối tượng Lý Văn Thu (SN1988), trú tại thôn Vinh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, Lạng Sơn điều khiển.
Ngày 15/1, Đội kiểm soát Hải quan số 1 phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về kinh tế ma tuý CA huyện Diễn Châu qua kiểm tra tại một gia đình ở xóm 8, xã Diễn Hạnh đã phát hiện 2 đối tượng Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Ngọc Nam có hành vi tàng trữ trái phép 500 quả pháo có tổng trọng lượng gần 22kg.
Không chỉ vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ trên đất liền, các đối tượng còn tranh thủ cả đường biển để lưu thông hàng hóa, tránh sự để ý từ phía lực lượng chức năng.
Ngày 29-12, tại khu vực cửa biển Ba Lạt, Thái Bình (cách Trạm Kiểm soát Biên phòng Cồn Vành khoảng 1 hải lý), lực lượng Biên phòng tỉnh Thái Bình đã phát hiện và bắt giữ 1.847kg pháo nổ các loại trên một tàu gỗ có trọng tải 5 tấn không biển kiểm soát, không giấy tờ.
Trong số tang vật thu được có 1.260kg pháo trứng và 587kg pháo Ca chiu sa, do đối tượng Nguyễn Văn Biên – người điều khiển con tàu tàng trữ và vận chuyển thuê với tiền công 5 triệu đồng.
Cùng ngày, tổ tuần tra liên ngành của Biên phòng, Hải quan, Phòng phòng chống tội phạm ma túy, Trạm Công an quản lý xuất nhập cảnh CKQT Cha Lo và Công an huyện Minh Hóa trong lúc tuần tra khu vực CKQT Cha Lo và dọc Quốc lộ 12A từ km 137 đến CKQT Cha Lo cũng phát hiện một xe ô tô mang biển kiểm soát 38A-06053 đang lưu thông theo hướng từ CKQT Cha Lo về nội địa.
Chiếc xe này chở theo 96 hộp pháo hoa các loại có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, tổng trọng lượng lên đến 171kg, do hai đối tượng Lê Mạnh Hùng và Lê Văn Thành vận chuyển.
Tăng cường kiểm soát từ biên giới
Tình trạng buôn lậu pháo vốn đã tồn tại từ lâu, đặc biệt cao điểm là mỗi khi đến dịp giáp Tết và phổ biến ở những khu vực cửa khẩu, gần biên giới Việt – Trung.
Do tâm lý nhiều người dân vẫn thích chơi pháo, nghe tiếng pháo nổ trong những ngày Tết nên rất khó kiểm soát tuyệt đối. Nhu cầu của người dân vẫn có nên tất yếu những kẻ trục lợi không thể bỏ qua món hàng này trong dịp Tết.
Để qua mặt lực lượng chức năng, việc vận chuyển, buôn bán pháo lậu được các đối tượng ngụy trang bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thiếu tá Ngô Văn Bình, Chính trị viên, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo khi trả lời báo chí cho biết, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng ở Cha Lo đã phối hợp bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển pháo lậu lớn nhỏ với số lượng lên đến gần nửa tấn.
“Trong quá trình vận chuyển, để có thể qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn rất tinh vi như chia nhỏ số lượng pháo để bỏ trong các thùng hoa quả, bao than củi và nhiều hàng hóa khác nhau, khiến công tác kiểm soát vô cùng khó khăn”.
Công tác ngăn chặn buôn bán vận chuyển pháo nổ trong nội địa đã khó khăn, ở những khu vực cửa khẩu, biên giới còn phức tạp hơn gấp bội. Ở những khu vực này, lực lượng chức năng phải túc trực, thường xuyên mật phục ngay cả trong đêm tối, thay nhau tuần tra cả ngày lẫn đêm bởi ngoài đường chính, các đối tượng còn tranh thủ vận chuyển pháo qua đường tiểu ngạch, các lối mở… nên rất khó để phát hiện.
Đồng chí Hoàng Thế Kiên, Tổ trưởng tổ Kiểm soát, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) cho biết: “Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực, đơn vị Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thùy phải duy trì cán bộ trực 24/24 giờ, triển khai tăng cường tuần tra kiểm soát hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát Hải quan.
Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ mới có thể phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy, tài liệu cấm, pháo nổ, vũ khí, đồ chơi bạo lực, động vật hoang dã… và các mặt hàng có thuế xuất cao như xăng dầu, quặng, rượu ngoại và thuốc lá điếu.
Thực hiện văn bản chỉ đạo số 1727/HQHG-ĐKS về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại theo kế hoạch số 277/KH-TCHQ, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương, quản lý thị trường để trao đổi thông tin về tình hình buôn lậu, xác định địa bàn trọng điểm, đấu tranh quyết liệt chống buôn lậu ngay từ đường biên giới, không để hàng lậu có cơ hội vào nội địa”.
Điều 4 Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ cũng quy định pháo là một trong các loại hàng hóa cấm kinh doanh. Việc sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo nổ phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tại khoản 4, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi mua, bán các loại vật liệu nổ; sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo. Hành vi buôn bán pháo nổ theo quy định Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị xử phạt mức thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng; mức xử phạt cao nhất là 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi sản xuất pháo nổ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với hành vi buôn bán pháo nổ. Người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. |