Gian nan chuyện làm báo trong tù

Anh Thơ| 21/06/2022 16:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo chí cách mạng Việt Nam mà đại diện là báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Dòng báo cách mạng này đã gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đòi quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, được coi là vũ khí tư tưởng - lý luận của cách mạng Việt Nam, giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng, góp phần đưa các phong trào cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Điểm đặc sắc của báo chí cách mạng giai đoạn 1925 - 1975 ở một số nhà tù đã xuất hiện báo trong tù do các chi bộ Đảng Cộng sản chủ trương: Hỏa Lò (Hà Nội) có Con đường chính, Lao tù tạp chí (sau đổi là Tù nhân báo), Đuốc đưa đường, Đường cách mạng; ở Côn Lôn có Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Hòn Cau, Ý kiến chung, Sơn La có Suối Reo… được xuất bản, phát hành trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian nan, hà khắc.

Hỏa Lò – Tờ báo tù là vũ khí hiệu quả để đấu tranh...

Con đường chính là tờ báo của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương trong nhà tù Hỏa Lò, xuất bản từ tháng 2/1931 đến năm 1932. Chủ bút Con đường chính là đồng chí Trường Chinh, bút danh Cây Xoan. Báo được chép tay, mỗi số ra 5-7 bản chuyền đọc trong nội bộ. 

Ngày 04/01/1932, Chi bộ Cộng sản nhà tù Hỏa Lò lại cho ra tờ báo Lao tù đỏ, sau đổi thành Lao tù tạp chí. Lao tù tạp chí có thể nói là phương tiện đấu tranh hữu hiệu của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù. Mỗi khi có những sự kiện lớn hay các cuộc đấu tranh, tù chính trị lại ra các bài báo có nội dung kỷ niệm, động viên tinh thần tù nhân, lên án chế độ nhà tù hà khắc.

Ở nhà tù Hỏa Lò còn có tờ Đời tù. Báo nhằm vào các mục tiêu: Cơ quan tuyên truyền và sợi dây liên lạc hữu nghị giữa nam nữ tù nhân; cơ quan giáo dục, hướng dẫn cho các thành viên của mình các phương sách hoạt động, cốt nâng cao hiểu biết của anh chị em; nơi trao đổi ý kiến và chiến đấu chống bọn phản cách mạng. 

dong-chi-truong-chinh.jpg
Đồng chí Trường Chinh - Chủ bút báo Con đường chính

Năm 1933-1934, ở nhà tù Hỏa Lò liên tục diễn ra các đợt luân chuyển tù đi Sơn La, Côn Đảo và từ các nơi này về lại Hỏa Lò. Thấy cần phải tăng cường hoạt động báo chí, ngoài tờ Lao tù tạp chí vẫn được duy trì, Chi ủy Hỏa Lò ra thêm Tạp chí Vô sản . Tạp chí Vô sản coi mục đích nâng cao trình độ lý luận, lập trường của đảng viên là chính. Những cây bút chính viết cho tạp chí này là Trường Chinh, Nguyễn Văn Năng, Trần Đức Sắc, Đặng Việt Châu...

Trong nhà tù Hỏa Lò, nhóm biên soạn tài liệu, làm báo phải làm việc trong điều kiện cực kỳ vất vả, hết sức bí mật để che mắt địch. Họ phải chui xuống gầm sàn để viết; ban ngày thì nhờ thứ ánh sáng lờ mờ lọt qua các cửa thông hơi ở trên cao, ban đêm nhờ chút ánh sáng của đèn điện hoặc đèn dầu.

Việc làm ra tài liệu đã khó, việc cất giữ chúng lại càng khó hơn, sao cho không lọt vào tay địch. Tù nhân phải tạo ra các kho bí mật để giữ gìn tài liệu. Họ đục tường, rút gạch lấy chỗ hổng làm kho cất tài liệu, sau đó lấp lại như cũ. Trong khi một số người đục tường thì các tù chính trị khác phải giả vờ vật lộn nhau, làm ồn ào để át tiếng động. Tài liệu còn được bỏ vào vỏ hộp sữa, bọc kín lại, thòng dây thả xuống thùng phân. Ở trại nữ, chị em cũng đục tường lấy chỗ giấu tài liệu, hoặc giấu vào trong khố...

Từ Hỏa Lò, theo bước chân lưu đày của những tù nhân chính trị, phong trào làm báo trong tù lan ra các nhà ngục Côn Lôn, Sơn La, Buôn Ma Thuột...Với tù nhân, các tờ báo tù là phương tiện để nối kết lực lượng, là phương tiện học tập, nâng cao trình độ chính trị, là vũ khí hiệu quả để đấu tranh...

Chuyện làm báo ở nhà tù Sơn La

Những ngày tháng 5 lịch sử, đoàn nhà báo chúng tôi có dịp được ngược lên miền Tây Bắc thăm mảnh đất lịch sử Sơn La - Nhà tù Sơn La được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm, đày ải những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản. Đoàn chúng tôi được nghe kể lại – chính nơi đây, trong môi trường khắc nghiệt, hiểm ác, nhưng những “nhà báo” đặc biệt đã sáng tạo để cho ra đời và xuất bản đều đặn tờ báo Suối Reo góp phần truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, thắp sáng lý tưởng cách mạng cho các tù nhân và quần chúng yêu nước địa phương.

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908, ban đầu chỉ có diện tích chừng 500m2. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2 với hệ thống tháp canh, phòng giam, xà lim ngầm giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản. Mùa hè, các phòng giam như các lò nung khi gió Lào tràn tới, mùa đông thì lạnh thấu xương... Bệnh sốt rét, ăn uống kham khổ, làm việc lao lực cộng với sự đày ải, tra tấn tàn bạo của bọn chúa ngục khiến bao người tù một đi không trở về. Với ý đồ đày ải cho đến chết những người cách mạng trung kiên, thực dân Pháp đã giam cầm ở đây bao chiến sĩ tiền bối của cách mạng Việt Nam như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy...

nha-day-buon-me-thuot.jpg
Một góc nhà tù Sơn La

Thế nhưng, chính từ cái nhà tù khủng khiếp đó, tháng 5/1941, những người cộng sản bị giam cầm ở đây đã bí mật cho ra đời tờ báo Suối Reo do các đồng chí Trần Huy Liệu, Xuân Thủy thay nhau làm chủ bút. Tờ báo như ngọn đuốc xua đi bóng tối u ám, khốc liệt và thắp lên ngọn lửa yêu nước, cách mạng cho các tù nhân, quần chúng yêu nước địa phương và cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi này.

Thăm bảo tàng tỉnh Sơn La và khu vực mô hình bảo tàng tái hiện lại hình ảnh những chiến sĩ trung kiên đang làm báo Suối Reo tại di tích lịch sử nhà tù Sơn La, chúng tôi thật xúc động và cảm phục trong điều kiện gông cùm, quản thúc bóp nghẹt và cuộc sống lao khổ, nhưng những chiến sĩ cộng sản vẫn có thể viết và xuất bản báo được. Làm thế nào để qua mắt được bọn giặc Pháp cai quản tù nhân ở đây vì chúng rất xảo quyệt. Chúng cấm tất cả mọi hình thức tụ tập, kiểm tra rất gắt gao nơi ở của người tù?. 

Để thực hiện chủ trương của Chi bộ nhà tù là cho ra đời tờ báo Suối Reo, những người được phân công làm báo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực để viết thư gửi về cho gia đình. Gạt đi những tình cảm riêng tư, những người tù gom giấy, bút, mực để dành cho ban biên tập làm báo. Và nhằm tránh sự săm soi của cai ngục, họ giấu kín những tờ giấy trong các khu vệ sinh. Đây được coi là nơi cất giấu bí mật nhất vì bọn lính Pháp và chúa ngục rất sợ phải đến những khu vực này, chúng coi đó là nơi chứa đựng mọi dịch bệnh gây chết người. Có giấy, bút, mực, những người làm báo đã tận dụng ánh sáng lờ mờ của trăng để viết báo; khi không có trăng thì thắp đèn dầu để viết và cử người canh gác cẩn mật... 

Bất chấp sự lùng sục gắt gao của địch, vượt qua muôn khó khăn, vất vả, cùm kẹp của bọn chúa ngục, tờ báo Suối Reo ra đời và đi cùng năm tháng với những người tù cộng sản trong nhà tù Sơn La cho đến tháng 3/1945, khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc - thời điểm thực dân Pháp kéo cờ trắng đầu hàng Nhật, các chiến sĩ cộng sản được tự do rời nhà tù Sơn La. 

Biến nhà đày thành “trường học cách mạng”

Cuối thập niên 1920, đầu những năm 1930, phong trào chống thực dân Pháp tăng cao ở Đông Dương. Chính quyền thực dân liên tục mở rộng và xây mới các nhà tù. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ cùng những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đúng như tên gọi “nhà đày”, các tù nhân - nhất là tù chính trị, bị giam giữ trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn, kham khổ. Những phạm nhân “nguy hiểm” bị cùm chân cố định tại chỗ, thường xuyên bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn. Ngoài thời gian bị giam, tù nhân còn phải làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.

Tuy nhiên, sự áp bức tàn bạo của thực dân - đế quốc không thể khuất phục được ý chí của những người cộng sản. Họ đã biến nhà tù thành “trường học cách mạng”. Cũng chính nơi đây, những người tù chính trị đã tổ chức học tiếng Êđê và cho ra đời các tờ báo viết tay với những bài thơ, câu chuyện ngắn gọn nhằm tố cáo chế độ lao tù hà khắc và kêu gọi các chiến sĩ giữ vững tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, trên tờ Yuăn - Êđê (Êđê - Việt) viết bằng hai thứ tiếng Việt và Êđê có mục Bình luận và Dạy tiếng Êđê do nhà hoạt động cách mạng Phan Đăng Lưu, người khi bị giam cầm ở đây đã tự học thành thạo tiếng và phong tục của người Êđê, phụ trách. Những bài báo viết tay, chuyền tay đó đã trở thành món ăn tinh thần của những chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, cũng nhờ đó mà họ đã giác ngộ được nhiều binh lính, cai đội người Êđê đi theo con đường cách mạng.

Vượt lên trên tất cả sự tàn bạo, dã man của kẻ thù là tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên trung của những người tù cộng sản. 

Làm báo chốn lao tù Côn Đảo

Tham quan Bảo tàng Côn Đảo, tại gian trưng bày về chủ đề những tờ báo ở nhà tù Côn Đảo, chúng tôi được tận mắt thấy những tờ báo bằng chữ chép tay nắn nót kỹ càng, những bài viết của những người tù cộng sản sáng ngời niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, tin về ngày Việt Nam hoàn toàn độc lập, đất nước thống nhất. Theo thống kê của Bảo tàng Côn Đảo, việc làm báo của người tù cộng sản ở nhà tù Côn Đảo được chia làm 3 giai đoạn: 1930-1945, 1948-1950 và 1955-1975.

Giai đoạn 1930-1945, tờ báo trong tù xuất hiện đầu tiên vào năm 1931 là tờ Hòn Cau tuần báo và tờ Tiếng sóng bể do ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Tờ Người tù đỏ là tiếng nói của Hội tù nhân, do các đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Giáp phụ trách, xuất bản hằng tuần và tờ Ý kiến chung do các đồng chí Phạm Văn Đồng và Bùi Công Trừng phụ trách. Năm 1935, tờ Ý kiến chung do đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp chỉ đạo...

Mở đầu giai đoạn 1948-1950 là việc Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo được thành lập vào năm 1948 và liền sau đó, tờ Côn Đảo mới - tiếng nói của Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo ra mắt, do Trương Anh Tuấn phụ trách...

 Tờ báo đầu tiên thời Mỹ - Ngụy (1955-1975) là tờ Sinh hoạt, ra đời tại trại 6B vào ngày 20/11/1972. Tiếp đó, các tờ Rèn luyện, Niềm tin, Đoàn kết, Tiến lên, Phấn đấu, Quyết tâm... lần lượt ra đời...

Có thể nói, tờ Sinh hoạt và tập san Xây dựng là hai tờ báo nổi bật của các tù binh cộng sản Côn Đảo thời kỳ 1955-1975. Những trang báo ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đã góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện đội ngũ tù chính trị ở “địa ngục trần gian”.

goc-nha-tu-son-la.jpg
Mô tả cảnh tra tấn tù nhân tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột

Làm báo trong tù, giữa muôn ngàn mối gian nguy, thiếu thốn, người tù càng phải khéo léo, mưu trí, sáng tạo tìm phương tiện “làm nghề”. Ở nhà tù Côn Đảo, người tù tự pha chế mực viết và màu vẽ từ những cây bút bic ít ỏi mỗi phòng được cấp để sử dụng; tự tạo giấy tách ra từ những bao thuốc lá, giấy xi măng, bìa các tông, thậm chí tận dụng cả lá bàng, loài cây mọc rất nhiều trong khuôn viên nhà tù... Xuất bản báo đã khó, phát hành cũng không đơn giản. Quá trình xuất bản và phát hành báo trong tù luôn phải đối phó với sự rình rập, khủng bố của lính canh, cai ngục, nhiều khi bị chúng phát hiện, đàn áp dã man. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Giữa chốn lao tù tối tăm, mồ hôi và máu đã đổ, cho những tờ báo tỏa sáng lý tưởng cách mạng đến với người tù chính trị, là sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ thêm vững tin vào lý tưởng, bền gan tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chặng đường 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, dù trong thời chiến tranh hay hòa bình, thời đạn bom khói lửa hay xây dựng và phát triển Tổ quốc. Những tờ báo và những chiến sỹ cách mạng làm báo trong những nhà tù năm xưa, đã góp thêm cho lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam những trang sử vàng chói lọi.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan chuyện làm báo trong tù