Áp lực trong nghề báo

Nguyễn Minh Khôi| 19/06/2017 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghề báo và hình ảnh nhà báo có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi đi nhiều, biết nhiều, sản phẩm được nhiều người biết đến và hữu ích cho xã hội. Tuy nhiên mấy ai hiểu hết những áp lực, thử thách mà mỗi người làm báo hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt.

Nghề nguy hiểm

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 4 vụ hành hung, đe dọa, lăng mạ phóng viên được các cơ quan báo chí đưa tin. Vụ việc phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) bị hành hung ngày 23/9/2016 chưa xong, ngày 6/11/2016, hai phóng viên của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC Nguyễn Tùng và phóng viên chuyên trang Pháp Luật Plus của Báo Pháp luật Việt Nam Phạm Hiển phải nhập viện cấp cứu do một nhóm đối tượng côn đồ hành hung khi đang tác nghiệp tại khu giết mổ động vật tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Áp lực trong nghề báo

Những vùng chiến sự nguy hiểm luôn có mặt các nhà báo

Trường hợp tiêu biểu nhất có lẽ là nữ nhà báo Thu Trang của báo Phụ nữ TP. HCM, tác giả của nhiều loạt bài điều tra gai góc, lôi nhiều kẻ phạm tội ra tòa. Năm 2016 chị viết loạt bài về gian lận ở Hải quan Hải Phòng, về bảo kê lò gạch thủ công gây ô nhiễm và đường dây chạy công chức ở Sóc Sơn, Hà Nội. Đó là những bài điều tra chỉ mặt đặt tên nhiều đối tượng. Một trong những đối tượng đó gọi điện đe dọa, nhưng không như những lần khác, đối tượng đe dọa bản thân chị, lần này đối tượng nhắn tin rành rọt: “Mày đi mua quan tài ngay. Nhà mày có bao nhiêu người thì chuẩn bị bấy nhiêu quan tài hiểu chưa? Chúng mày động vào miếng cơm manh áo của người khác thì liệu hồn. Tao không để cho chúng mày yên đâu”, khiến một nhà báo quen với đe dọa như Thu Trang cũng “hoang mang tột độ”. Nhờ sự ra tay ngăn chặn của cơ quan chức năng, đối tượng đã phải cúi đầu xin lỗi chị… nhưng những gì đã diễn ra trong những ngày hắn đe dọa thì thật khủng khiếp.

Nhìn ra thế giới thì tình hình còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Báo cáo mới đây của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), cho hay, có 48 nhà báo thiệt mạng trong năm 2016, với nguyên nhân là do bị sát hại, kẹt giữa hai làn đạn, trúng bom đạn trong vùng chiến sự, hoặc gặp những hiểm nguy trong khi tác nghiệp.  Đặc biệt là những vùng bị chiến tranh tàn phá trên khắp Trung Ðông, hơn nửa số nhà báo bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại Syria, Yemen hay Iraq. Riêng Syria là nước dẫn đầu thế giới về số nhà báo bị sát hại, với 14 trường hợp trong năm 2016.

Thực tế Việt Nam và thế giới đều có nét tương đồng ở chỗ sự an toàn của nhà báo và thân nhân của họ dễ bị các đối tượng bị nhà báo vạch trần sai phạm trước công luận đe dọa và có thể thực hiện lời đe dọa. Vinh quang gắn liền với hiểm nguy nên nghề báo là nghề chỉ dành cho những người có bản lĩnh. Nếu run sợ, không đủ can đảm dấn thân thì họ phải lùi về tuyến sau, làm một nhà báo mờ nhạt không mấy ai biết đến hoặc phải chuyển nghề khác.

Áp lực rất lớn

Nhà báo phải chịu rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực thời gian. Báo chí là sản phẩm tươi sống, gắn liền với sự kiện trong dòng chảy thời sự nên nhà báo phải giao sản phẩm về tòa soạn đúng giờ, đúng ngày, đúng thỏa thuận. Với cuộc cạnh tranh của báo điện tử hiện nay, đưa tin trước 10 -20 phút đã rất quí giá, nếu chậm một vài giờ thì có thể tin đó không còn được sử dụng. Phát hiện vấn đề nhanh, tác nghiệp nhanh và kỹ năng tốt thì nhà báo mới vượt quan được áp lực thời gian.

Áp lực thời gian còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt gia đình. Với các nhà báo nam giới đã khó khăn, với các nhà báo nữ còn lo chồng con, cơm nước thì việc đi làm không tính theo giờ hành chính, bất kể giờ giấc, là một thách thức đối với mối quan hệ gia đình của nhà báo.

Báo chí phải cạnh tranh nên áp lực của bạn đọc, của tòa soạn rất lớn, trong khi rất khó kiếm đề tài độc quyền trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, làm sao để có bài hay, hấp dẫn mà kịp thời là vấn đề nhà báo luôn luôn phải giải quyết. Trong khi đó thông tin đưa ra lại phải khách quan, chính xác, có cơ sở, tuyệt đối không được đưa tin kiểu bịa đặt, thêm thắt hoặc suy diễn. Đặc biệt là những bài báo chống tham nhũng, tiêu cực thì nguy cơ bị đối tượng kiện lại tòa báo rất dễ xảy ra.

Một vấn đề khác là kiến thức nhà trường cung cấp cho các sinh viên chỉ là những lý thuyết, những kiến thức mang tính đại cương nên không ít các phóng viên mới ra trường không thể bắt kịp nhịp chung của tòa soạn, đụng vào vấn đề nào cũng thấy không đủ kiến thức để tác nghiệp, để phỏng vấn, để phát hiện, nhận định sự kiện đúng hay sai… Muốn làm tốt, theo nghề đến cùng thì không cách nào khác là phải học, học hỏi không ngừng. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi thấy những phóng viên trẻ phải bỏ dở giữa chừng con đường làm báo của mình vì không đủ tự tin và bản lĩnh để bước tiếp.

Có người còn cho rằng: Áp lực đôi khi nó không nằm ngoài xã hội mà lại diễn ra ngay trong tòa soạn, trong ban biên tập khi bài báo đụng đến những vấn đề nhạy cảm mà ban biên tập ngại va chạm không muốn đăng hoặc vì những lý do tế nhị khác.

Bên cạnh đó, còn một áp lực lớn nữa là thu nhập để bảo đảm cuộc sống gia đình. Trừ một số báo lớn, nhuận bút và thu nhập cho một nhà báo tích cực khoảng 15-20 triệu đồng, còn đại đa số các tòa báo hiện nay chỉ cho các nhà báo mức thu nhập chừng 1/3 con số trên đây. Vậy là cuộc sống khó khăn. Nghề báo có vẻ không khó kiếm tiền nếu biết lợi dụng vị thế, nắm bắt được thông tin để “rung dọa”, nhưng như thế đồng nghĩa với đánh mất tư cách nhà báo, chưa kể có thể bị xử lý trước  pháp luật, hoen ố cả ngòi bút.              

Thay đổi nhanh

Không gian báo chí hiện nay thay đổi từng ngày, giờ đây báo chí phải hướng đến đa nền tảng. Chỉ báo in, truyền hình hay website thì chưa đủ mà phải đồng thời có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Thậm chí các ứng dụng cho mobile cũng biến chuyển liên tục. Thời đại mobile media đang tới gần, và đương nhiên báo chí cũng phải chuyển sang tập trung hơn vào báo chí di động. Không ít tờ báo trên thế giới cho biết số lượng đọc báo qua điện thoại di động của họ đã vượt cả website. Đó là một thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí, cũng như cá nhân mỗi nhà báo. Làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn, mà cao hơn, rộng hơn là nhu cầu của bạn đọc trong không gian báo chí mỗi ngày một mới này quả là không dễ.

Áp lực trong nghề báo

Nhà báo Thu Trang 

Báo chí còn đang phải đối diện với mạng xã hội. Nếu như trước đây có người nhấn mạnh đến vai trò của báo chí rằng “báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư” thì ngày nay mạng xã hội là cơ quan quyền lực thứ năm, cạnh tranh trực tiếp với báo chí và là đối trọng với báo chí. Điều đó buộc nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức và công nghệ mới để song hành cùng mạng xã hội mà vượt lên mạng xã hội bằng những bài báo sâu sắc, đa chiều, khách quan và có sức thuyết phục cao.

Điểm qua một vài khía cạnh, một vài tình huống nhà báo thường gặp để thấy nghề báo có những đặc thù mà ai yêu nghề cũng phải đeo bám và vượt qua thử thách để trụ vững. Có người cho rằng, nhà báo ở thời nào cũng vậy phải luôn dũng cảm, trung thực và vươn lên; nhất là trước những cạm bẫy vật chất và tiêu cực xã hội hiện nay, phải dũng cảm vượt qua. Có ý kiến tự nhủ, người làm báo phải vững vàng về chính trị, sắc sảo về nghiệp vụ và phải dựa trên nền tảng đạo đức. Có như vậy, thông  tin mới được khai thác, xử lý nhanh nhạy, chính xác với động cơ trong sáng. Đó cũng là sự kiên định, vững vàng trước cám dỗ của đồng tiền, của quyền lực, của những bè phái; là tư tưởng cầu tiến, đấu tranh quyết liệt với sự lạc hậu, cẩu thả, vô trách nhiệm của chính bản thân mình.

Có người đúc kết một cách hệ thống mang tính giáo khoa thư về các phẩm chất nhà báo cần có, đó là: Thứ nhất phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Thứ hai, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực về đạo đức nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng. Thứ ba, có phông kiến thức văn hoá-xã hội sâu rộng và không ngừng được bổ sung, cập nhật. Thứ tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Thứ năm, có khả năng giao tiếp tốt. Thứ sáu, phải có khả năng ứng dụng tốt các thành quả của khoa học-công nghệ trong tác nghiệp và giỏi ít nhất một ngoại ngữ thông dụng. Thứ bảy, có kiến thức nhất định về kinh tế báo chí.

Xem ra, với sự biến chuyển tốc độ cao của thời cuộc, của công nghệ, báo chí cũng trong dòng chảy cuồn cuộn đó, nếu không đủ tình yêu với nghề báo, không đủ bản lĩnh, không đủ sức khỏe thì khó có thể trở thành nhà báo thực thụ, có những đóng góp tích cực cho tờ báo, cho sự phát triển của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực trong nghề báo