Nghề báo đã giúp tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện cuộc sống với biết bao hỉ nộ ái ố và rút ra được thật nhiều bài học trân quý.
Cho đến bây giờ, khi đã là một nhà báo, tôi vẫn không trả lời được vì sao tôi chọn nghề này. Mọi thứ đến với tôi như một cơ duyên hoặc cũng có thể là sự sắp đặt.
Những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào nghề tôi như người mất phương hướng, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng không biết. Những cái tin ngắn phải cắt đi, sửa lại cả chục lần mà đọc đi đọc lại vẫn thấy…ngang tai. May mắn được một người anh đi trước hướng dẫn, tôi dần quen và bắt nhịp công việc ở một tờ báo mà tôi gắn bó đến ngày hôm nay.
Cái khó nhất của người làm báo có lẽ là nói về mình, viết về mình. Ngay cả khi “moi” trong trí nhớ ra cả một tập tư liệu chứa những câu chuyện, những dấu ấn khó quên trên chặng đường gió bụi đã từng đi qua cũng khó viết ra được thành câu, thành chữ. Những câu chuyện dù với nhiều người là chẳng đáng nhưng với tôi đó đều là những kỷ niệm không thể quên.
Một ngày đầu tháng 03/1016, tôi được Tòa soạn giao xác minh thông tin về một “công dân bị đánh oan” ở một tỉnh phía Bắc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bị hại là một người đàn ông làm vườn bị đánh ngay tại trụ sở Công an vì tình nghi trộm cắp tài sản. Sau khi đã nắm bắt thông tin, xác định vụ việc có nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ, tôi tiếp cận với nhiều người dân địa phương. Tại đây có rất nhiều nhân chứng chứng minh người đàn ông này không phải là kẻ trộm và bị đánh oan. Thế nhưng khi gặp trực tiếp nhân vật, người đàn ông rất kiệm lời và gần như cam chịu vì “sự đã rồi”.
Trong đôi mắt của người đàn ông ấy, tôi nhìn thấy sự sợ hãi! Làm thế nào để “giải oan” cho người đàn ông này? Làm sao để người dân tin? Câu hỏi khiến tôi day dứt. Tôi đã tìm gặp rất nhiều người dân, nhờ họ để thuyết phục, động viên. Phải mất nhiều ngày, nhiều lần gặp thuyết phục, bằng tất cả sự chân thành, người đàn ông đã trải lòng, chia sẻ toàn bộ câu chuyện. Và, sự thật được hé lộ. Sau khi bài báo được đăng tải, Công an địa phương đã đến tận nhà để xin lỗi người đàn ông ấy. Mấy ngày sau, qua điện thoại giọng người đàn ông đầy phấn khởi, run run nói lời cảm ơn tôi. Hạnh phúc của người làm báo chỉ đơn giản như thế.
PV trong một lần đi trao tặng bê cho một hộ dân ở tỉnh Thanh Hóa
Lần khác, tôi đi viết bài về một trường hợp đặc biệt ở Hòa Bình với 4 người trong gia đình “sống trong bóng tối”. Câu chuyện đã để lại nhiều dư âm về một cuộc sống cơ cực, đầy gian khó. Thuộc diện nghèo nhất xã nhưng căn bệnh lạ không chỉ dừng lại ở đời con, mà đau đớn thay bóng tối đeo bám đến đời cháu.
Dù đã viết rất nhiều những số phận khổ hạnh nhưng câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, người trụ cột duy nhất trong căn nhà tối tăm đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ấy khiến tôi có nhiều cảm xúc. Bài viết hơn 1.000 chữ hoàn thành chỉ trong vòng 30 phút đồng hồ.
Sau khi Báo Công lý đăng tải bài viết, chính quyền địa phương và nhiều tấm lòng hảo tâm đã trực tiếp gọi điện cho tác giả xin địa chỉ để san sẻ một phần khó khăn giúp họ khắc phục phần nào với cuộc sống. Sau bài báo, ánh sáng thật sự đã rọi đến tận căn nhà tối tăm của ông Bình. Đó là thứ ánh sáng của tình người, của tinh thần tương thân tương ái mà bài báo của tôi đã làm được.
Nghề báo là nghề nguy hiểm nhưng để lại cho người viết nhiều cảm xúc khác nhau về những vùng đất, con người và những phong tục tập quán thú vị. Mỗi chuyến đi thực tế là một lần trải nghiệm, mỗi nhân vật là một câu chuyện với biết bao hỉ, nộ, ái, ố. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện, tôi cảm thấy ngày càng yêu và quý trọng nghề viết.
PV trò chuyện với cao thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh
Đó là câu chuyện về nghị lực sống, nghị lực phi thường của một người đàn ông liệt hai chân - “tàn nhưng không phế” Bùi Văn Chính. Dù bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng ông không đầu hàng trước số phận, bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, ông Chính đã trở thành chủ của Trung tâm Dạy nghề hướng nghiệp nhân đạo (ở Đông Anh, Hà Nội) giúp cho hàng trăm người đồng cảnh ngộ có chỗ bấu víu. Hay một cái kết có hậu về hoàn cảnh cơ cực hai cha con ông Nguyễn Văn Sắn mấy chục năm sống vất vưởng trong một túp lều ở bên bờ sông Gạo (thuộc tổ 30, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi bài viết đăng trên Báo điện tử Công lý, người đàn ông hơn 70 năm lầm lũi ở túp lều rách nát ven sông đã rơi nước mắt nghẹn ngào vì có một nơi ở mới.
Tôi vào nghề báo chập chững từ những câu chuyện như thế. Niềm vui, nỗi buồn của những ngày mới “bập” vào nghề kể mãi cũng không hết. Vui bất tận nhưng cũng có những nỗi suy tư miên man. Đằng sau những vinh quang là sự nhọc nhằn, vật lộn với cuộc sống, là nhiều những công phu, những nguy hiểm rình rập.
Tháng 4/2018, tôi được giao xác minh về đơn thư phản ánh của một người dân về những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ ở một địa phương nọ. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tôi hăm hở về gặp người tố cáo. Trái với tưởng tượng ban đầu của tôi, người đứng đơn khi gặp nhà báo lại tỏ thái độ ghẻ lạnh, thậm chí coi thường. Hỏi ra mới biết, trước đó đã có nhiều đồng nghiệp của tôi đã về xác minh, lấy tài liệu nhưng sau đó thì “bặt vô âm tín”. Khi tôi đến, họ đã mất niềm tin vào nhà báo, thậm chí còn nói “mấy cha nhà báo bị mua hết rồi” khiến tôi chạnh lòng. Vụ việc sau đó có một cái kết đẹp, người dân đã lấy lại niềm tin, sự tin tưởng vào công lý. Thế nhưng những câu chuyện mà người dân kể về những đồng nghiệp đến trước làm tôi không khỏi trăn trở.
Hơn 3 năm làm việc tại Báo Công lý, thời gian trong nghề chưa dài nhưng một phần nào đó đã giúp cho bản thân tôi đúc rút ra nhiều kinh nghiệm để dần hoàn thiện khả năng đi và viết. Tôi đã học được rất nhiều điều và càng cảm thấy yêu nghề, gắn bó với nghề.
Mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình một con đường để đi đến thành công. Với tôi, chọn lựa lớn nhất của cuộc đời mình đó chính là lòng quyết tâm và niềm đam mê nghiệp viết báo. Những bài báo tôi viết có thể còn chưa hay, chưa trau chuốt nhưng tôi tự ý thức được rằng đó là tiếng nói chung, là trăn trở của cuộc sống mà nhà báo coi đó như bổn phận, trách nhiệm của mình với xã hội.
Tôi sẽ tiếp tục đi, tiếp tục viết và tiếp tục cống hiến với niềm đam mê, sự trách nhiệm như người Thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, cần phải “Đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.