Giảm kinh phí, cắt viện trợ, HIV có nguy cơ bùng phát trở lại

Đắc Chuyên| 26/09/2015 16:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cảnh báo, nếu không được đầu tư kinh phí đủ để đối phó, đại dịch HIV/AIDS có thể bùng phát bất cứ lúc nào, bởi hiện nay tỷ lệ HIV kháng thuốc rất cao.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian tới chương trình phòng chống HIV/AIDS sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về kinh phí. Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình phòng chống HIV/AIDS ở nước ta ước tính cần ít nhất 7.400 tỷ đồng. Nhưng, khi chương trình phòng chống HIV/AIDS không còn là mục tiêu quốc gia mà chỉ là một dự án trong chương trình Dân số- KHHGĐ thì sẽ bị cắt giảm một lượng lớn ngân sách. Theo tính toán công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ thiếu khoảng 11% kinh phí trong giai đoạn này.

Trong khi đó, một số dự án quốc tế viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta cũng sẽ dừng lại hoặc giảm quy mô viện trợ trong tương lai gần như: Quỹ Toàn cầu viện trợ đến hết 2015, PEPFAR viện trợ đến hết 2018…

Giảm kinh phí, cắt viện trợ, HIV có nguy cơ bùng phát trở lại

Nguồn kinh phí bị cắt giảm khiến công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn

Chưa kể, công tác điều trị ARV, Methadone vẫn chưa lồng ghép vào hệ thống y tế gây khó khăn cho việc triển khai và thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho xét nghiệm HIV/AIDS ở phụ nữ mang thai cũng bị cắt giảm. BHYT chưa thực hiện việc chi trả xét nghiệm HIV/AIDS cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, nguồn nhân sự, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang trong tình trạng thiếu nghiêm trọng, cần phải bổ sung đầu tư rất nhiều.

Những khó khăn kể trên khiến vị Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đặc biệt lo ngại cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Ông Long cho rằng, mặc dù đã có những cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn tới, nhưng nếu không được đầu tư xứng đáng thì Việt Nam khó duy trì những kết quả đã đạt được và mục tiêu xóa bỏ HIV vào năm 2030 sẽ khó thành hiện thực, thậm chí đại dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Làm thế nào để đại dịch HIV/AIDS không bùng phát trở lại trong khi nguồn kinh phí đầu tư đang bị cắt giảm là một bài toán khó đặt ra đối với những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS.

Để đảm bảo tính bền vững cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, theo ông Long ngoài nguồn kinh phí của Chính phủ thì cần huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Cụ thể, với nguồn kinh phí của Trung ương thì cần tập trung đầu tư cho các hoạt động trọng điểm, thiết yếu. Song song với đó, tăng cường thu hút các nguồn xã hội hóa, đặc biệt là huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp; tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của chính người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh tham gia của BHYT đối với các dịch vụ được cung cấp là rất cần thiết. Thời gian tới, việc mua thuốc ARV sẽ phải thực hiện bằng nguồn ngân sách trong nước. Vì vậy, để giảm bớt chi phí, cần có chính sách khuyến khích sản xuất thuốc ARV ở trong nước. “Nếu đại dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS là việc bắt buộc phải làm. Đầu tư càng sớm thì hiệu quả càng cao”, ông Long nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm kinh phí, cắt viện trợ, HIV có nguy cơ bùng phát trở lại