Ngày 11/6, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Oanh (SN 1992, trú tại TP. Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Thiên Nguyên) và các đồng phạm trong vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”, “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” và “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Theo đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Oanh mức án 8 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”; bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1984,trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thịnh Vượng) bị tuyên phạt 9 năm tù (tổng hợp hình phạt của cả 3 tội danh trên).
Các bị cáo còn lại phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” bị tuyên phạt mức án từ 3 - 6 năm tù. Có một bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” và được HĐXX cho hưởng án treo vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Theo nhận định của HĐXX, trong vụ án này, các bị cáo thành khẩn khai báo, lời khai của bị cáo phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2022, Nguyễn Thị Oanh đã tổ chức, tham gia tổ chức cho 20 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép thông qua 5 công ty.
Phạm Thị Tuyết Nhung là người tìm công ty bảo lãnh, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Oanh trong việc tổ chức cho 16 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép và 1 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép. Bị cáo Nguyễn Hoài Nam là người trực tiếp đi nộp hồ sơ bảo lãnh, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Nguyễn Thị Oanh…
HĐXX kết luận hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến việc quản lý dân cư, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại Việt Nam. Các bị cáo biết đây là hành vi vi phạm nhưng vẫn cố thực hiện. Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, tiếp nhận ý chí của nhau, trong đó bị cáo Oanh giữ vai trò chính, bị cáo Nhung là đồng phạm giúp sức.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Oanh khai nhận bản thân có công ty kinh doanh xuất khẩu mặt hàng Trung Quốc. Bên bạn hàng người Trung Quốc đề cập muốn sang Việt Nam mua nông sản nên Oanh có ý định dùng công ty của mình để bảo lãnh, nhưng không được vì một số lý do khách quan.
Trước HĐXX, Oanh cũng cho biết khi bị cáo Nhung nói tới việc đã từng làm bão lãnh cho người nước ngoài với giá 8 triệu đồng/người, thì Oanh báo lại với bên bạn hàng. Theo lời khai của Oanh, số tiền được nhận từ phía bạn hàng là khoảng 10 triệu đồng/người nên bị cáo nhận phần dư.
Oanh thừa nhận đã sử dụng pháp nhân của nhiều công ty để tổ chức cho 20 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, hưởng lợi 36 triệu đồng.
Điển hình như việc sử dụng pháp nhân của Công ty cổ phần công nghệ Hoàng Hải (gọi tắt là Công ty Hoàng Hải). Cuối năm 2021, Công ty Hoàng Hải đã đăng ký thay đổi lần thứ 9, khi này ông Hoàng Thanh Sơn không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, vào ngày 25/4/2022, Phạm Thị Tuyết Nhung liên hệ trao đổi với Hoàng Thanh Sơn về việc nhờ Sơn sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Hải bảo lãnh cho người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, với chi phí 5 triệu đồng/người. Ông Sơn đồng ý ký, mặc dù thời điểm này ông Sơn không còn là lãnh đạo của công ty. Sau khi ông Sơn ký, đóng dấu xong hồ sơ, Nhung chuyển hồ sơ cho Nguyễn Hoài Nam đi nộp.
Tiếp đó, Nhung cùng Nam đến nhà ông Sơn để tiếp tục ký hồ sơ bảo lãnh cho 4 người Trung Quốc khác nhập cảnh Việt Nam. Sau khi ký xong, tương tự như lần trước, Nam mang hồ sơ đi nộp, tự viết thông tin cá nhân lên giấy giới thiệu, tự nhận là nhân viên của Công ty Hoàng Hải để nộp hồ sơ.
Trước tòa, bị cáo Sơn mong HĐXX cho mình được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình, xã hội.